Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đường dây đánh bạc liên quan cựu cục trưởng C50 ăn chia lợi nhuận siêu khủng thế nào?

(DS&PL) -

Trong đường dây đánh bạc "khủng" liên quan đến tướng công an, bước đầu cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã thu lợi bất chính 2.777 tỷ đồng.

Trong đường dây đánh bạc "khủng" liên quan đến cựu cục trưởng C50, bước đầu cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã thu lợi bất chính 2.777 tỷ đồng.

Thu lợi gần 2.800 tỷ từ đánh bạc qua mạng

Theo báo Tiền Phong, ngày 25/5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo từ bà Võ Minh Phương (ở phường Nông Trang, TP Việt Trì) về việc ngày 16/5/2017, bà Phương bị một đối tượng sử dụng nick facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng.

Từ nguồn tin này, Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 26/7/2017 xác minh, bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương. Huy khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, Huy đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh Dũng (ở TP Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng, Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh điều tra phối hợp với Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet tại Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao; bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Dương (SN 1975, Chủ tịch HĐQT) và Lưu Thị Hồng (SN 1976, Tổng Giám đốc Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao).

Phan Sào Nam được xác định là một trong số những người cầm đầu đường dây đánh bạc. Ảnh: VTC.

Kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong đường dây đánh bạc này được điều hành bởi Nguyễn Văn Dương (SN 1975) là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, Phan Sào Nam (SN 1979) từng là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online). Ngoài VTC Online, ông Nam còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV truyền thông đa phương tiện VTC HCM.

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng 'bảo kê' đánh bạc

Theo báo Tuổi trẻ, quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương cầm đầu bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Chỉ một thời gian ngắn, đường dây này đã "vươn vòi" ra tận 13 tỉnh, thành trên cả nước với 25 đại lý. Máy chủ điều hành được đặt tại Hà Nội.

Ngoài ra còn có một máy chủ đặt tại nước ngoài để những "con bạc" không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng có thể tham gia "sát phạt". Số lượng người tham gia đánh bạc tăng chóng mặt lên đến hàng chục triệu tài khoản đăng ký.

Điều đáng nói, một đường dây đánh bạc với quy mô rất lớn tại sao ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài mà không bị triệt phá? Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an Phú Thọ đã phát hiện dấu hiệu có cán bộ trong ngành tham gia "bảo kê" cho đường dây đánh bạc.

Lập tức Công an Phú Thọ nhận được chỉ đạo từ Bộ Công an: lập chuyên án triệt phá các đối tượng cầm đầu và xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho đường dây đánh bạc này.

Từ tài liệu trinh sát, CQĐT xác định ông Nguyễn Thanh Hóa mặc dù có vai trò là cục trưởng C50 nhưng không ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp mà còn có hành vi tiếp tay "bảo kê".

Theo đó, ông Hóa đã ký với Nguyễn Văn Dương một hợp đồng liên quan đến việc công ty của Dương được hoạt động.

Theo thỏa thuận, ông Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) sẽ được ăn chia 60% lợi nhuận từ đường dây đánh bạc, còn Dương hưởng 40% lợi nhuận.

Trong hợp đồng ông Hóa ký với Dương, vị nguyên cục trưởng này sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng.

Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã được hưởng lợi khoảng 800 tỉ đồng. Tuy nhiên bị can Dương cũng khai chưa "chia" lợi nhuận cho ông Hóa. Còn ông Phan Sào Nam thì khai cho ông Hóa vay một số tiền và hiện chưa đòi.

Hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ những vấn đề này.

Cũng theo báo Tuổi trẻ, đến nay CQĐT đã làm rõ ông Phan Sào Nam là người cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho ông Nguyễn Văn Dương. Bị can Dương có vai trò điều hành 2 cổng game điện tử có tên là Rikvip và Tip.club.

Trước đó, khoảng năm 2016, thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát thông báo về việc cổng game do ông Dương điều hành có dấu hiệu đánh bạc trái pháp luật.

Ban đầu, cổng Rikvip bị đóng và ngừng hoạt động. Tuy nhiên liền sau đó cổng Tip.club được mở lại với hình thức hoạt động tương tự và là nơi để hàng chục triệu con bạc tiếp tục sát phạt.

Đến nay nhà chức trách xác định có hơn 40 triệu tài khoản đăng ký tham gia trên cả hai cổng game trá hình này. Trong giai đoạn điều tra, số tiền lưu thông của đường dây đánh bạc lên đến 18.000 tỉ đồng.

Liên quan đường dây, ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Nguyễn Thanh Hoá để điều tra về tội Tổ chức đánh bạc, theo khoản 2 điều 249 Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Hoá bị cáo buộc với trách nhiệm người đứng đầu của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, khi phát hiện hành vi sai phạm của Nam và Dương đã không ngăn chặn kịp thời mà còn "bảo kê".

Trong sáng 11/3, nghe Đảng ủy Công an Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan báo cáo kết quả điều tra, Ban Bí thư cho rằng đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, nhiều người... và có liên quan tới cả cán bộ công an.

Vụ án hiện bị khởi tố với nhiều tội danh gồm: sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.

Trao đổi trên Thanh Niên, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng vụ việc của ông Nguyễn Thanh Hóa là rất nghiêm trọng. Để ngăn chặn những sự việc tương tự, cần phải tăng cường các thiết chế giám sát những cơ quan gắn liền với những hoạt động mang tính chất bí mật như an ninh, quốc phòng. “Bất cứ cơ quan nào mà các hoạt động mang tính chất bí mật đều cần có những thiết chế giám sát. Cơ quan càng bí mật, càng nhiều quyền lực thì càng cần phải giám sát chặt chẽ. Đó là vấn đề nguyên tắc. Còn nếu cứ để không như vậy thì sẽ rất gay go”, ông Dũng nêu.

Theo ông Dũng, chẳng hạn như cơ quan tình báo của Mỹ cũng có riêng một ủy ban giám sát thuộc Quốc hội. Mặc dù hoạt động của các cơ quan này không bao giờ công khai nhưng tất cả đều được ủy ban thuộc Quốc hội giám sát rất chặt. “Như ở ta hiện nay, những thiết chế giám sát hoạt động ngành công an, quân đội thì có Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, đó chỉ là quy định chung chứ chưa có những quy định thực sự chặt chẽ trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội có quyền giám sát đối với những vấn đề bí mật hay không thì pháp luật không quy định rõ”, ông Dũng nói.

Từ đó, ông Dũng cho rằng, cần có những quy định cụ thể của pháp luật trao quyền cho một ủy ban với chức năng giám sát những hoạt động mang tính chất bí mật thuộc vệ an ninh, quốc phòng. Hoặc, có thể trao quyền cụ thể cho Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội và nâng cao năng lực cho ủy ban này để có thể giám sát được các cơ quan này.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật