Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đuổi học thí sinh gian lận, liệu có cơ hội cho người trượt oan?

(DS&PL) -

Bộ GD&ĐT khẳng định, đã gửi công văn yêu cầu tỉnh Hòa Bình cập nhật lại điểm thi của 64 thí sinh có gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018.

Bộ GD&ĐT khẳng định, đã gửi công văn yêu cầu tỉnh Hòa Bình cập nhật lại điểm thi của 64 thí sinh có gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018. Điều này đồng nghĩa với việc những sinh viên nếu đang theo học tại các trường đại học sẽ bị thôi học vì không đủ điều kiện. Câu hỏi mà dư luận đặt ra, liệu có còn cơ hội nhập học cho những thí sinh đã bị những người gian lận thế chỗ?

Gọi bổ sung là rất khó

Qua điều tra của cơ quan công an, có 64 thí sinh (gồm 63 thí sinh của năm 2018 và 1 thí sinh của năm 2017) đã có sự thay đổi điểm thi. Điểm chấm thẩm định đã giảm xuống thấp hơn so với số điểm đã công bố. Thậm chí, có thí bị giảm tới 26,45 điểm.

Sau khi có kết luận điều tra, bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu sở GD&ĐT Hòa Bình theo quy định của quy chế cập nhật kết quả chấm thẩm định của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi và tiến hành xét công nhận tốt nghiệp lại. Đồng thời, gửi kết quả chấm thẩm định thông báo đến các trường đại học, cao đẳng mà các thí sinh liên quan đang theo học để xử lý theo quy định.

Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa

Trước câu hỏi những thí sinh liên quan tới sai phạm này đã "cướp" đi cơ hội của 64 thí sinh khác, các em học sinh thiệt thòi còn cơ hội nào không, nhà trường có được gọi bổ sung hay không, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT) cho hay, quyền quyết định thuộc về các trường đại học, vì hiện nay các trường đã được tự chủ trong việc tuyển sinh.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng đại học Y Hà Nội cho biết là sẽ rất khó “phương án B” sau khi cơ quan chức năng tìm ra được bài thi của các thí sinh gian lận ở Hòa Bình. Lý giải về điều này, ông Tú nêu ra 2 lý do để đại học Y Hà Nội cũng như những trường khác khó mà gọi bổ sung: “Thứ nhất, các em đã học hết gần 2 kỳ học, nếu gọi bổ sung thì các em học theo sẽ rất vất vả. Thứ hai, trong tuyển  sinh, nếu trường hạ điểm chuẩn dù chỉ 0,25 điểm thì sẽ có hàng chục em nằm trong diện trúng tuyển. Điều này là rất khó, 64 thí sinh kia, chia ra mỗi trường sẽ không nhiều để gọi bổ sung”.

Vị Phó Hiệu trưởng cũng cho biết, hiện trường đại học Y Hà Nội chưa nhận được danh sách và điểm cập nhật của các thí sinh gian lận từ Hòa Bình: “Chúng tôi chưa nhận được danh sách. Những em sau khi cập nhật điểm nếu không đủ điều kiện sẽ không được học tại trường”.

“Ngoài Hòa Bình còn Sơn La là địa phương mà cơ quan chức năng chưa tìm ra những bài thi gian lận, tôi mong muốn nhanh chóng tìm ra những thí sinh này. Để nếu các em đang theo học sẽ có biện pháp xử lý, môi trường Y tế không thể có chỗ cho những thí sinh gian lận, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhiều người sau này”, ông Tú bộc bạch.

Đồng quan điểm trên, đại diện trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sẽ có khả năng gọi bổ sung nếu như phát hiện nhiều thí sinh trúng tuyển là những em gian lận. “Đây cũng là điều mà nhà trường lo lắng, đã có những phương án được đưa ra, tuy nhiên cũng phải chờ vào tình hình thực tế".

Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự bộ Quốc phòng thông tin: Trong mùa tuyển sinh 2018, nhiều thí sinh điểm rất cao, thậm chí là thủ khoa đến từ Hòa Bình và một số địa phương khác đã không làm thủ tục nhập học. “Ví dụ như thủ khoa học viện Hậu cần là thí sinh đến từ Hòa Bình, nhưng đã không nhập học vào trường. Một số em cho biết đã  nhập học trường khác hoặc đi du học. Một số khác không thông báo lý do" - Đại tá Tiến cho biết.

Nói về hướng xử lý với các thí sinh gian lận thi cử, liệu có hủy bài thi hay cấm thí sinh này thi vào các trường quân đội những năm tiếp theo hay không, GS Trần Hữu Phúc - Cục trưởng Cục Nhà trường - bộ Quốc phòng - khẳng định, thí sinh nào không đủ điểm thì sẽ không được nhận. Quan điểm của bộ Quốc phòng là ai sai phạm thì xử lý, đúng người, đúng tội. Ví dụ phụ huynh nhờ can thiệp điểm thi và có thể thí sinh không hay biết. Trường hợp này theo quy định chỉ cần trả điểm thật về cho thí sinh.

Phía trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng việc gọi bổ sung là rất phức tạp, rất khó xảy ra điều đó: “Nhà trường sẽ chấp nhận thiếu thí sinh nếu như phát hiện ra ai là người gian lận. Bởi nếu gọi bổ sung thì tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới những trường khác nữa. Bởi lẽ, nếu em đó NV1 vào Bách khoa không đỗ và đã chuyển sang NV2 vào trường khác, trong trường hợp Bách khoa gọi em này thì trường kia có khả năng sẽ mất thí sinh, một hiệu ứng dây chuyền rất xấu”.

Vị này cũng lấy ví dụ để nói nên cái khó của việc gọi bổ sung: “Cách đây vài tháng, chúng tôi đã phải xin ý kiến bộ GD&ĐT về một trường hợp đặc biệt, em thí sinh A. đã đỗ NV1 vào học viện Hậu cần, và NV2 ở đại học Bách khoa cũng đỗ. Em này đã tới trường để hỏi về việc nếu không vượt qua được khám sức khỏe ở trường Hậu cần thì có được nhập học Bách khoa hay không? Nhà trường đã phải xin ý kiến bộ GD&ĐT trường hợp này”.

Cần chặn đứng tiêu cực trong kỳ thi sắp tới

Rõ ràng, sau những sai phạm và quyết tâm đưa những thí sinh này ra ánh sáng, chúng ta thấy rõ tất cả những sai phạm dù tinh vi đến đâu thì chắc chắn vẫn bị xử lý nghiêm. Đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ tới phụ huynh, thí sinh, trong kỳ thi năm 2019 tới.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí.

Khi được hỏi về giải pháp về kỹ thuật để ngăn chặn việc gian lận thi cử ở kỳ thi sắp tới, ông Mai Văn Trinh cho hay: “Gian lận điểm thi ở Hoà Bình, Hà Giang hay Sơn La giúp chúng tôi có đánh giá và lường trước được những sai phạm có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh để có một kỳ thi thành công. Công tác lựa chọn cán bộ chấm, coi thi sẽ chặt chẽ, chọn người tốt nhất. Các khâu kỹ thuật sẽ được cải tiến hơn, đổi mới hơn. Năm nay, Bộ chủ động hỗ trợ thí sinh rất nhiều, cụ thể là việc công bố sớm đề thi minh họa, các em học sinh có thể bám về đề tham khảo để có một kỳ thi tốt”.

Cụ thể, việc bảo quản đề thi, bài thi đã được quy định rất rõ quy trình. Phải có công an bảo vệ 24/24h, có camera. Năm nay vai trò của đồng chí Phó trưởng điểm (đến từ trường đại học, cao đẳng) cũng được nâng lên. Khâu chấm thi, với bài thi trắc nghiệm sẽ được giao cho các trường đại học”.

Dữ liệu thi chính là “thiếu sót” dẫn tới gian lận thi ở năm vừa qua, việc này ông Trinh nói: “Toàn bộ dữ liệu chấm thi tốt nghiệp (file ảnh) sẽ được mã hoá, tất cả những can thiệp lên quá trình chấm thi trắc nghiệm sẽ được lưu vết. Mọi phiếu trả lời sẽ được lưu vết điện tử. Đối với chấm tự luận, khâu làm phách làm 2 vòng độc lập, cách ly cán bộ làm phách, năm nay chấm kiểm tra các bài thi tự luận với số lượng tối thiểu 5%. Những bài thi điểm cao của hội đồng thi sẽ được rút ra để chấm kiểm tra”.

Mặc dù những giải pháp là thế, nhưng ông Trinh vẫn khẳng định, vấn đề vẫn nằm ở con người làm thi, trách nhiệm cao nhất của lãnh đạo địa phương đó, do vậy, những con người phải làm tốt về nhận thức. “Tôi muốn qua sự việc Hoà Bình, thể hiện quyết tâm của bộ GD&ĐT rằng không ai chấp nhận việc gian lận thi cử, nói một cách nghiêm túc là không có vùng cấm trong việc tổ chức kỳ thi này”, ông Trinh nói.

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ bày tỏ mong muốn về một kỳ thi công bằng cho năm 2019: “Gian lận thi cử làm mất niềm tin trong xã hội, nhiều em thí sinh mất cơ hội vào trường mình mong muốn để học. Để chặn được tiêu cực, Bộ phải có giải pháp để ngành giáo dục khắc phục được những vấn đề đó, tăng cường kỷ cương, nghiêm trị đối với cá nhân nào mắc phải. Những giải pháp về kỹ thuật trong kỳ thi cũng cần được quan tâm mạnh mẽ”. 

Công Luân
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 11

Tin nổi bật