Tào Bác (SN 2002) là giảng viên ngành Công nghệ điện, điện tử tại Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Vũ Hán, Trung Quốc. Anh vừa nhận được lời mời bổ nhiệm làm phó giáo sư tại một trường đại học ở Trung Quốc nhưng anh đã từ chối và tạo ra luồng ý kiến trái chiều.
Lựa chọn học nghề thay cho học THPT
Từ nhỏ, Tào Bác đã đam mê công nghệ và thích khám phá, tháo lắp các thiết bị điện tử. Năm 2017, anh vượt qua kỳ thi cấp 3 nhưng không lựa chọn học THPT như bạn bè đồng trang lứa mà quyết định học nghề tại trường trung cấp Điện tử và Máy móc Vũ Hán.
Tào Bác yêu thích công nghệ thông tin, điện tử ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh: The Paper.
Chàng trai 21 tuổi này chọn theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin. Chia sẻ về quyết định này, Tào Bác bộc bạch: "Đây là chuyên ngành phù hợp với tôi, bởi tôi có thể học thêm các kỹ năng thực tế. Tôi thích nghiên cứu và thực hiện nhiều dự án trong phòng thí nghiệm để làm chủ được công nghệ điện tử".
Trong suốt những năm theo học tại trường, Tào Bác bộc lộ tài năng của mình với điểm số xuất sắc và tham gia nhiều cuộc thi về kỹ thuật điện tử. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, anh tiếp tục học lên cao đẳng tại Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Vũ Hán.
Tào Bác (giữa) đang thảo luận, góp ý với sinh viên về bài tập. Ảnh: The Paper.
Thầy Vương Tiêu Lâm, người hướng dẫn Tào Bác chia sẻ: "Tào Bác là người có chuyên môn rất chắc chắn. Em đã hai lần góp mặt vào đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới".
Năng lực vượt trội
Năm 2020, Tào Bác đại diện Trung Quốc tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 và xếp vị trí thứ 4. Tháng 9/2023, anh tiếp tục đại diện cho tỉnh Hồ Bắc, tham gia phần thi Công nghệ điện tử tại Kỳ thi tay nghề toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức ở Thiên Tân.
Phần thi này yêu cầu thí sinh thể hiện phương án thiết kế, kỹ năng vận hành và tư duy đổi mới trong 3 mô-đun: Thiết kế máy đo huyết áp, hệ thống nhà thông minh và bộ điều khiển. Không chỉ hoàn thành nội dung thi xuất sắc, Tào Bác giành chiến thắng cả 3 hạng mục trên.
Đáng chú ý, anh còn đạt huy chương Vàng môn Công nghệ điện tử. Kết thúc kỳ thi, Tào Bác được trao giải thưởng Nhà vô địch xuất sắc nhất các hạng mục. Với kết quả này, Tào Bác góp mặt lần 2 vào đội tuyển quốc gia đại diện cho Trung Quốc tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 được tổ chức tại Lyon, Pháp năm 2024.
Sở hữu loạt thành tích đáng nể, Tào Bác thu hút sự chú ý của cả nước. Ở tuổi 21, anh nhận được lời mời từ một trường đại học bổ nhiệm làm phó giáo sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử. Ngoài ra, có trường cho phép Tào Bác trở thành giảng viên hoặc nhà nghiên cứu.
Đối với các sinh viên giỏi tốt nghiệp đại học top đầu, đây là cơ hội hiếm có. Tuy nhiên, đứng trước nhiều sự lựa chọn Tào Bác quyết định từ chối mọi lời mời.
Nói về lý do từ chối mọi sự chiêu mộ, Tào Bác cho biết: "Tôi biết ơn sự công nhận và lời mời thiện chí của các trường cao đẳng và đại học, nhưng tôi chưa muốn rời xa quê hương và trường học của mình. Với tôi, Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Vũ Hán là ngôi trường tốt mang lại cho tôi những thành tựu to lớn".
Hoàn thành 2 năm học trung cấp và 3 năm học cao đẳng, hiện nay, Tào Bác đang là giảng viên ngành Công nghệ Điện-Điện tử của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Vũ Hán.
Nhiều luồng ý kiến trái chiều
Việc từ chối được bổ nhiệm làm phó giáo sư tại một trường đại học của Tào Bác gây bất ngờ và tạo ra nhiều tranh cãi.
Nhiều người cho rằng, Tào Bác đang lãng phí cơ hội để thăng tiến, nghiên cứu chuyên sâu hơn. Số khác lại nghĩ rằng anh muốn trốn tránh áp lực nên lựa chọn ở lại cho an toàn.
Chàng trai 21 tuổi luôn tự hào vì theo học trung cấp và cao đẳng bởi được rèn luyện, trau dồi nhiều kỹ năng thực tế. Ảnh: The Paper.
"Tôi biết nhiều người cảm thấy bất ngờ và khó hiểu với sự lựa chọn của tôi. Tôi có lý tưởng, mục tiêu riêng nên tôi quyết định điều gì phù hợp với bản thân nhất. Tôi không quan tâm đến những ý kiến tiêu cực và không hối hận về sự lựa chọn của mình.
Việc này cũng giống như tôi chọn học trung cấp và cao đẳng. Nhiều người cho rằng, học nghề không bằng đại học. Tuy nhiên, tôi luôn tự hào, tự tin với lựa chọn của mình", Tào Bác phân trần.
Nói thêm về việc chọn học cao đẳng, anh cho biết, không phải vì không vượt qua kỳ thi đại học mà do anh coi trọng việc thực hành và kỹ năng thực tế nên quyết định như vậy.
XEM THÊM: Vụ 5 giáo viên xin thôi việc trong 1 tháng: Sở Nội vụ Kon Tum chỉ đạo "nóng"
"Giáo dục cao đẳng phù hợp với sở thích, định hướng của tôi và cho phép tôi nắm bắt công nghệ nhanh, áp dụng trực tiếp vào công việc, đời sống. Tôi không muốn dành nhiều thời gian cho việc học lý thuyết mà muốn chứng minh năng lực bản thân thông qua các sáng chế, nghiên cứu thiết thực", Tào Bác nói.
Thục Hiền (T/h)