“Quỳnh búp bê” là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên được phát trên VTV gắn mác 18+, điều này gây ra những tranh luận trái chiều ngay cả khi bộ phim đã ngừng phát sóng.
Việc dừng sóng "Quỳnh búp bê" gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong những ngày qua. |
Những bộ phim 18+ nào đã từng bị dừng phát sóng trên VTV?
Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã thông báo về việc tạm dừng phát sóng bộ phim "Quỳnh búp bê" kể từ ngày 12/7. Lý do được đưa ra là vì đơn vị này đã nhận và tiếp thu những ý kiến trái chiều từ khán giả kể từ khi phim lên sóng. Hiện VTV vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa đưa ra phát ngôn chính thức về khả năng liệu "Quỳnh búp bê" có bị cấm chiếu vĩnh viễn hay không?
“Quỳnh búp bê” là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên được phát trên VTV gắn mác 18+. VTV đã phải phát dòng “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem” trong mỗi tập phim của "Quỳnh búp bê" để cảnh báo về những phân đoạn bạo lực hoặc nhạy cảm của phim.
Trước "Quỳnh búp bê", có một bộ phim 18+ khác cũng đã chiếu được một vài tập nhưng sau đó bị VTV ngừng phát sóng. Vào tháng 10/2014, VTV thông báo lần đầu tiên phát sóng một bộ phim truyền hình gắn nhãn 18+ vào lúc 22h45 hàng ngày, mở màn cho chuỗi giờ phim dành riêng cho người lớn của kênh truyền hình VTV2.
Bộ phim được lựa chọn là "Sex and the City" (tựa Việt: "Chuyện ấy là chuyện nhỏ"), một series truyền hình Mỹ vô cùng nổi tiếng được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Candance Bushnell.
Phim phản ánh cuộc sống của những phụ nữ tuổi 30 độc thân và thành đạt ở New York. Carrie, Samantha, Charlotte và Miranda là bốn người bạn thân thiết dù tính cách của họ khá khác nhau. Họ bước lên màn ảnh, trò chuyện một cách cởi mở và mạnh bạo về những chủ đề tưởng chừng chỉ nên xì xào, thủ thỉ của cánh phụ nữ.
"Sex and the City" được xếp loại phim tình cảm dành cho người lớn, giới hạn khán giả nhỏ tuổi. Dù xuất hiện rất nhiều cảnh nóng, đề tài thảo luận về tình dục một cách táo bạo: quan hệ ngoài luồng, tình đồng giới… nhưng vượt lên trên bộ phim đã đi vào ngóc ngách của phái nữ, đồng thời mổ xẻ những mâu thuẫn của đấng mày râu.
"Sex and the City" là bộ phim được gắn nhãn 18+ đầu tiên trên sóng VTV. |
Ở thời điểm năm 2014, khi chuẩn bị phát sóng "Sex and the City", VTV đã thông báo về việc thực hiện một chương trình talkshow đồng hành cùng mỗi tập phim với tên gọi "Chuyện ấy là chuyện nhỏ" với chủ trì là nữ nhà báo Trác Thúy Miêu.
Talkshow này tập trung phân tích những câu chuyện nhạy cảm một cách trực diện, thẳng thắn hơn với kỳ vọng, thay vì những cảm giác ngỡ ngàng, shock như ban đầu, các khán giả của chương trình sẽ quen dần hơn, có cái nhìn bình đẳng hơn trong những vấn đề khó nói.
Tuy nhiên, sau khi phát sóng, cả bộ phim lẫn chương trình đồng hành đều nhận phải những ý kiến trái chiều từ dư luận. Phe thì ủng hộ nhiệt tình với lý do, đã đến lúc xã hội cần thay đổi quan niệm về giới tính và tình dục, không nên coi đó là một vùng thông tin “nhạy cảm” cần né tránh.
Ngược lại, phe phản đối thì đưa ra lý do, phương Đông và phương Tây là hai thái độ, tư tưởng khác nhau, hiện nay khán giả Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để nói về “chuyện ấy”, VTV không nên phát sóng phim người lớn khi tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên đã quá cao... Ngoài ra, việc phải chứng kiến một bộ phim bị cắt xén quá nhiều, tới mức làm thay đổi, sai lệch cả đường dây của câu chuyện cũng khiến khán giả không hài lòng.
Sau hai tuần phát sóng, VTV bất ngờ tuyên bố ngừng chiếu phim vì những lý do khác nhau, và đầu tháng 8/2016, bộ phim lại được lên sóng trở lại mà không có thông báo cụ thể nào. Sau khoảng thời gian gặp nhiều tranh cãi vào năm 2014, lần này, bộ phim không gây nhiều chú ý đối với khán giả.
Gây tranh cãi rồi mới dừng phát sóng, vấn đề là ở đâu?
Với góc nhìn trực diện với cách khai thác gai góc về nghề mại dâm, "Quỳnh búp bê" gây được sự chú ý của khán giả ngay từ những ngày đầu lên sóng. Những góc khuất của nghề "buôn phấn bán hương" được phơi bày, những yếu tố nhạy cảm và “cấm kị” thường chỉ xuất hiện rất mờ nhạt ở những bộ phim cùng đề tài trước đó thì ở “Quỳnh búp bê” lại được lựa chọn như một phương thức để khắc họa đời sống của những cô gái mại dâm một cách chân thực nhất.
Sự chân thực và đề tài mới lạ của "Quỳnh búp bê" đã khiến bộ phim có được sức hấp dẫn nhất định mới người xem. Cũng vì đó mà gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng phim không thích hợp để phát sóng trên truyền hình vì có quá nhiều cảnh nóng, bạo lực dã man phụ nữ, nhiều ngôn từ tục. Nội dung như vậy bị cho là thiếu tính định hướng, giáo dục và dễ ảnh hưởng đến trẻ em. Một bộ phận khác thì đề cao tính chân thực mà phim phản ánh.
Tuy vậy, hầu hết đều đồng ý rằng việc bộ phim được chiếu trên VTV1 vào khung giờ vàng (20h45) là một lựa chọn sai trái vì trẻ em có thể xem bộ phim và đó là một việc không hay vì nội dung nhạy cảm, nhất là khi phim còn không có khuyến cáo hay cảnh báo về nội dung.
"Quỳnh búp bê" khai thác đề tài khá tăm tối. |
Tiếp thu ý kiến này, từ tập 5, VTV đã dán nhán 18+ cho Quỳnh búp bê và có cảnh báo về việc "nên có phụ huynh xem cùng". Việc dán nhãn này tuy là một động thái được hoan nghênh nhưng cũng bị đặt câu hỏi ngược là dù dán nhãn nhưng vẫn chiếu ở giờ vàng thì không tránh khỏi việc nhiều đối tượng khán giả vẫn "hồn nhiên" xem phim.
Hiện "Quỳnh búp bê" vẫn đang trong quá trình ghi hình những phân đoạn cuối cùng của phim. Đạo diễn Mai Hồng Phong chia sẻ với Thanh Niên rằng đoàn phim chỉ cống hiến về chuyên môn, còn những vấn đề liên quan tới hiệu ứng xã hội thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ sẽ có sự cân nhắc, lựa chọn. Tuy vậy, cả đoàn vẫn hy vọng và mong rằng "Quỳnh búp bê" sẽ sớm trở lại với khán giả, có thể là ở một khung giờ phù hợp hơn.
Liên quan đến vấn đề này, báo Lao động dẫn lời NSND Hoàng Dũng cho biết: "Theo tôi cần có một trọng tài, “người phán xử” thật sự có “văn hóa”, có trình độ và công tâm.
Bây giờ đã dừng sóng rồi thì phải ngồi lại với nhau ba mặt một lời, làm việc đến nơi đến chốn. Cả hai phía nên đấu tranh đến cùng và có luận điểm, lý luận rõ ràng. Khán giả chính là đối tượng quan trọng nhất và họ phải tâm phục khẩu phục. Nếu không thì nên rút lại chuyện dừng sóng một cách đàng hoàng. Ở ta vẫn đang thiếu văn hóa nhận sai, xin lỗi một cách chân thành. Và đó mới là văn hóa đáng quý.
Nhưng, nếu thực sự trong nội dung phim thực sự quá bạo lực thì cũng đáng để cấm. Cấm để những nhà làm phim xem đó là bài học. Tại sao lại xảy ra chuyện dừng sóng khi có cả một hệ thống, đội ngũ duyệt phim trước khi chiếu".
Đây có lẽ là một ý kiến rất xác đáng và đầy trân trọng. Bởi trước nay, trong khi phim điện ảnh đã có bảng phân loại khá cụ thể về C13, C16 và C18 khá rõ ràng và áp dụng từ đầu năm 2017 thì mảng tryền hình vẫn còn rất mông lung.
Ở nước ngoài, các chương trình phát trên truyền hình đều được phân chia rất rõ ràng và chi tiết từ nội dung phù hợp cho mọi trẻ em; cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên, từ 14 tuổi trở lên và bố mẹ nên cân nhắc; bố mẹ phải xem cùng trẻ; nội dung không dành cho trẻ em cho đến cả những khuyến cáo về chương trình có mang yếu tố kì bí.
Trong khi đó, những quy định ở nước ta còn khá chung chung và mơ hồ, dẫn đến những bất cập như "Quỳnh búp bê" là có thể hiểu được. Nội dung thế nào là không dành cho trẻ em, thế nào là không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, thế nào là nên có sự giám sát của phụ huynh dường như đều phải do các đài tự ước lượng và áp dụng.
Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình kiểm duyệt phim và để xảy ra sự việc đáng tiếc giống như "Quỳnh búp bê". Đó là phải đến khi bộ phim gây tranh cãi rồi mới có sự điều chỉnh, sau đó là dừng sóng nhưng lại chưa thể đưa ra một giải pháp hợp lý vừa làm hài lòng khán giả mà lại không phủ nhận những cống hiến nghệ thuật của đoàn làm phim.
Vi An (T/h)