“Chúng tôi đang thuận lợi tiến tới một hợp đồng cho Arrow-3. Nếu tôi có thể đưa ra một dự đoán, tôi đoán hợp đồng này sẽ được ký kết trong vòng vài tháng nữa”, ông Boaz Levy, Giám đốc Điều hành của Israel Aerospace Industries (IAI) thuộc sở hữu nhà nước, cho biết khi tham dự một hội nghị do Đại học Reichman tổ chức gần Tel Aviv.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 do Israel và Mỹ hợp tác phát triển, vì vậy, bất cứ sự quan tâm của nước thứ ba nào cũng phải được hai quốc gia nêu trên phê duyệt.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3. Ảnh: National News
Arrow 3 được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công cũng như đánh chặn tên lửa đạn đạo, bảo vệ toàn diện các căn cứ chiến lược. Điểm đặc biệt của loại vũ khí này là khả năng chống lại các vệ tinh quân sự.
Israel bắt đầu thử nghiệm Arrow 3 lần đầu vào tháng 3/2011. Ngày 23/1/2012, Bộ Quốc phòng Israel công bố một đoạn video mà theo họ đã thử nghiệm thành công động cơ đẩy cũng như tính năng bay và các biến của Arrow 3 tại căn cứ không quân Palmachim.
Ngày 25/2/2013, cũng tại căn cứ không quân Palmachim, một tên lửa Arrow 3 đã lần đầu tiên đạt đến độ cao 100 km. Ngày 3/1/2014, Arrow 3 đã đánh chặn thành công một mục tiêu ảo.
Bệ phóng Arrow 3 được vận chuyển bởi xe tải quân sự chuyên dụng. Bộ phận phóng bao gồm 6 ống phóng lắp thẳng và tên lửa sẵn sàng bắn.
Ở vị trí khai hỏa, các ống phóng được dựng ở phía sau rơ-moóc theo phương thẳng đứng và 5 kích thủy lực được hạ xuống trên mặt đất, 3 ở phía trước và 2 ở phía sau.
Tên lửa có thể được đặt trong ống phóng thẳng đứng 21 inch. Bệ phóng cung cấp thời gian phản ứng nhanh để đánh chặn nhiều tên lửa đạn đạo. Được biết, một khẩu đội Arrow 3 dự kiến có thể đánh chặn hơn 5 tên lửa đạn đạo trong vòng 30 giây.
Arrow 3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo, đặc biệt là những tên lửa mang vũ khí hủy diệt hàng loạt, ở độ cao hơn 100 km và có tầm bắn lên tới 2400 km.
Đức để mắt và tìm cách mua Arrow-3 ít nhất một năm trước, kể khi quốc gia Tây Âu tìm cách nâng cấp quân đội và nỗ lực cải thiện khả năng phòng không của châu Âu.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Berlin đã phân bổ 100 tỷ Euro (108,2 tỷ USD) để tân trang lại Bundeswehr (các lực lượng vũ trang Đức).
Năm 2022, một liên minh gồm 17 thành viên do Đức dẫn đầu đã thành lập Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu, để tăng cường khả năng phòng không của lục địa này. Washington cũng đóng một vai trò trong quá trình đàm phán thương vụ này,
Mộc Miên (Theo The National News)