Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với báo Suddeutsche Zeitung, khi được hỏi về khả năng triển khai quân Đức đến Ukraine để giúp bảo vệ vùng đệm phi quân sự giữa Nga và Ukraine nếu thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết ông sẵn sàng xem xét khả năng này.
"Chúng tôi là đối tác NATO lớn nhất ở châu Âu. Rõ ràng, chúng tôi sẽ có vai trò trong việc đó", ông Pistorius nói.
Vị Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết vấn đề này sẽ "được thảo luận vào thời điểm thích hợp".
Ông Pistorius cũng cho rằng Đức nên đặt mục tiêu chi khoảng 3% GDP cho quốc phòng. Hiện tại, Đức dành khoảng 2% GDP cho quốc phòng.
"Chúng ta nên nói nhiều hơn về 3% thay vì 2%", ông Pistorius cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: Reuters
Anh cũng từng tuyên bố nước này có thể triển khai quân tới Ukraine để đẩy lùi quân đội Nga. Gần đây, Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết London không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt viện trợ quân sự cho Kiev.
Pháp cũng đề cập đến khả năng triển khai quân tới Ukraine và không loại trừ ý tưởng này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris không có kế hoạch triển khai quân đội kể từ mùa xuân năm ngoái, nhưng "không loại trừ bất kỳ kịch bản nào".
Về phía Ukraine, khi đề cập về khả năng triển khai quân đội nước ngoài, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 10/1 kêu gọi các đồng minh đưa bộ binh đến Ukraine, tin rằng điều đó có thể buộc Nga chấp nhận hòa bình.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga trong vòng 24 giờ. Đội ngũ của ông cũng từng hé lộ về kế hoạch giải quyết xung đột.
Theo kế hoạch được đề xuất, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không.
Kế hoạch cũng cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập liên minh để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte mới đây nhận định Ukraine hiện chưa ở vị thế đủ mạnh để khởi động bất kỳ cuộc hòa đàm nào với Nga.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Ảnh: Reuters
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News vào tuần trước, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga nói rằng ông đặt mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 100 ngày đầu nhiệm sở của ông Trump. Mốc thời gian này vượt xa so với tuyên bố ban đầu của tổng thống đắc cử Mỹ về việc giải quyết xung đột.
Vào ngày 7/1, ông Trump thừa nhận quá trình giải quyết xung đột Ukraine có thể mất nhiều thời gian hơn. Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán của ông với Tổng thống Putin về xung đột Ukraine, cùng với các vấn đề khác, sẽ diễn ra sớm hơn trong vòng 6 tháng sau khi ông nhậm chức.
Hiện trên chiến trường, lực lượng Nga và Ukraine đều đang đẩy mạnh hoạt động, hy vọng giành lợi thế tối đa trên chiến trường trước khi ông Trump nhậm chức. Ukraine đã tăng cường tấn công cơ sở năng lượng và quân sự Nga, cách xa tiền tuyến hàng trăm km. Kiev cũng đã sử dụng tên lửa phương Tây viện trợ tập kích lãnh thổ Nga, khiến Điện Kremlin bất bình. Trong khi đó, quân đội Nga đang tiếp tục đà tiến quân ở khu vực Donetsk.
Giới quan sát nhận định lập trường của hai bên về một thỏa thuận hòa bình khả thi dường như vẫn rất khác biệt.