Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đưa thổ cẩm đến trời Tây

(DS&PL) -

Những nỗ lực của chị H’Ler Êban không chỉ giúp cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê sống lại, được nhiều người biết đến, mà còn giúp cho nhiều người lao động khó khăn ổn định thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Vực dậy nghề dệt thổ cẩm

Tìm về buôn Kniết (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi được nghe không ít câu chuyện về chị H’Ler Êban (SN 1975, hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) – người phụ nữ đã dốc hết tâm trí, giúp cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê một lần nữa được sống lại.

Chị H’Ler hướng dẫn các nghệ nhân khi dệt các hoa văn, họa tiết.

Trò chuyện với chúng tôi, chị H’Ler nở nụ cười hiền cho hay, nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê đã có từ rất lâu và tồn tại bao đời nay. Cho đến năm 2011, từ khi làm đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk, chị có dịp đi công tác, tiếp xúc với nhiều người dân Ê Đê tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua những lần đi thực tế ấy, chị H’Ler không khỏi lo lắng trước tình trạng nghề truyền thống của dân tộc mình đang ngày càng mai một và có nguy cơ biến mất. Hầu hết người dân Ê Đê không còn thiết tha với các trang phục truyền thống nữa, bởi chúng khá thô cứng và khó di chuyển. Bên cạnh đó, các nghệ nhân dệt thổ cẩm của người Ê Đê cũng ít dần. Bởi để hoàn thành được một tấm vải được dệt thủ công bằng tay phải mất cả tuần mới làm xong. Vậy mà, sau khi dệt xong, cũng chẳng biết bán cho ai nên không có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Nên chẳng còn mấy ai mặn mà theo nghề này nữa.

“Nếu như tình trạng này tiếp tục diễn ra thì chỉ cần một thời gian rất ngắn nữa thôi, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê sẽ bị “khai tử” mà không một ai lưu luyến hay tiếc nuối. Theo đó, giá trị văn hóa truyền thống cũng dần biến mất”, chị H’Ler chia sẻ.

Đứng trước những trăn trở ấy, chị H’Ler hạ quyết tâm bằng mọi cách phải khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Năm 2018, trên cơ sở kinh nghiệm may mặc của bản thân, chị đã dùng tất cả nguồn thu nhập của gia đình để thành lập nhà may Amí Sia.

Chị tập hợp nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh dệt thổ cẩm để bán cho mình. Chị H’Ler yêu cầu các nghệ nhân phải thể hiện được các hoa văn, họa tiết truyền thống của dân tộc mình trên mỗi sản phẩm. “Mỗi họa tiết, hoa văn trên các tấm vải thổ cẩm đều có hình thù, ý nghĩa khác nhau. Tất cả đều thể hiện sự gần gũi, hòa đồng giữa thiên nhiên và đồng bào dân tộc Ê Đê”, chị H’Ler lý giải.

Sau khi các nghệ nhân hoàn thành dệt thổ cẩm, chị H’Ler mang về và tự tay thiết kế, cắt may các mẫu trang phục cách tân với phương châm “hiện đại hòa nhập, nhưng không hòa tan”. Để khắc phục điểm yếu thô ráp, không thoải mái của trang phục thổ cẩm trước đây, chị H’Ler tìm chất vải thun gân ngang phối với các hoa văn, họa tiết được dệt thủ công để thiết kế trang phục.

Việc lựa chọn chất vải co giãn này giúp cho người mặc dễ dàng di chuyển, cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Đặc biệt, việc cách tân này không làm thay đổi kiểu dáng và giá trị văn hóa truyền thống trên mỗi bộ trang phục của đồng bào dân tộc Ê Đê.

Sau khi hoàn thành các mẫu trang phục cách tân phối hoa văn truyền thống, chị H’Ler chụp lại rồi đăng lên các trang mạng xã hội thì bất ngờ sự quan tâm của nhiều người. Cũng từ đây, đã có rất nhiều người liên hệ hỏi mua trang phục truyền thống của chị. “Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là không chỉ người Ê Đê mà rất nhiều người dân tộc Kinh và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, thậm chí nhiều Việt kiều ở nước ngoài, với nhiều độ tuổi khác nhau cũng rất thích thú, đặt mua các sản phẩm trang phục thổ cẩm của tôi”, chị H’Ler cho hay.

Chị H’Ler cho biết, mỗi họa tiết, hoa văn trên các trang phục thổ cẩm đều thể hiện sự gần gũi, hòa đồng giữa thiên nhiên và người Ê Đê.

Mang ấm no về bản làng

Cũng theo chị H’Ler, khách hàng của sản phẩm trang phục thổ cẩm chủ yếu là nữ giới nên đòi hỏi sự thẩm mỹ và tính thời trang rất cao. Do đó, để trang phục thổ cẩm phù hợp với thị hiếu thời trang liên tục thay đổi như hiện nay, chị không ngừng nghiên cứu, học hỏi, tự trau dồi kiến thức để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi, thời tiết, môi trường làm việc, sự kiện, lễ hội khác nhau.

Được biết, trung bình mỗi năm, nhà may của Amí Sia đã bán ra trên 500 sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong nước và bà con Việt Kiều ở Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan. Đồng thời, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 thợ may và 10 nghệ nhân dệt, với mức thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/tháng.

Miệt mài bên khung cửi đặt tại nhà văn hóa cộng đồng, bà H'Rưm Hmok (SN 1957, trú tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) cho biết, bản thân biết dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, nhưng sau này dệt ra không thổ cẩm từ khi còn nhỏ, nhưng sau này dệt ra không biết bán cho ai. Trong khi đó, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị tai nạn và không thể lao động được 6 năm nay nên mọi gánh nặng kinh tế đều đè lên đôi vai của bà. Vì thế, kể từ khi liên kết với nhà may Amí Sia đã giúp cho gia đình bà có thêm thu nhập để lo trang trải cuộc sống.

Để có được kết quả như hôm nay, đó là cả một hành trình đầy khó khăn, gian khổ mà bản thân chị H’Ler đã phải trải qua. Điều khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất là những năm gần đây, rất nhiều người dân tộc Ê Đê nói riêng và các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung đã tìm đến và sử dụng nhiều sản phẩm trang phục thổ cẩm. Đáng nói, mọi người không chỉ diện những bộ trang phục này đến lễ hội, nhà thờ mà còn dùng đi dự đám cưới, đám hỏi, thậm chí đi làm tại các công sở.

“Tôi rất mong, trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc cách tân trang phục đồng bào Ê Đê mà có thể mở rộng dệt họa tiết hoa văn, phối được hoa văn trên áo dài, váy cô dâu, khoăn choàng, ví, túi xách... nhằm thu hút nhu cầu của nhiều khách hàng tìm đến sản phẩm trang phục thổ cẩm. Khi phát triển được các đơn hàng này thì sẽ giúp cho nhiều nghệ nhân có việc làm ổn định lo cho gia đình”, chị H’Ler tâm sự.

Khánh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

Tin nổi bật