Theo lịch sử ghi lại, từ thế kỷ XVI, làng Từ Vân đã nổi tiếng với tay nghề thêu dệt. Thời đó, không ít dân làng đã lên trung tâm thủ đô mở cửa hàng để bán các sản phẩm thêu truyền thống. Vào thời khắc lịch sử ngày 19/8/1945, cách mạng tháng 8 nổ ra, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân đã tung bay trên nhiều góc phố phường của Thủ đô Hà Nội. Làng Từ Vân cũng trở thành làng nghề may cờ Tổ quốc từ đó. Tuy nhiên, trải qua hơn 70 năm với bao biến cố và thăng trầm, nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân cũng dần bị mai một.
Làng Từ Vân nổi tiếng với nghề may cờ Tổ quốc.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Văn Nhâm, trưởng thôn Từ Vân, cho biết: “Sở dĩ chuyện nghề làm truyền thống bị mai một là bởi thu nhập người dân từ việc làm cơ chưa cao, nên lao động trẻ thì ra ngoài tìm kiếm môi trường thu nhập tốt hơn, người trung tuổi thì chuyển sang làm ăn tại chợ gia cầm trong làng. Hiện, chỉ còn ít gia đình ở làng Từ Vân gắn bó với nghề (may cờ Tổ quốc), cũng do truyền thống cha truyền con nối và hơn hết là vì bản sắc dân tộc”.
Theo giới thiệu của ông Nhâm, phóng viên đến thăm xưởng may của anh Phục (SN 1975), một trong những cở sở may cờ lớn nhất làng Từ Vân hiện nay. Bất chấp cái nóng oi ả, hơn chục công nhân tại xưởng vẫn sôi nổi, tất bật và khẩn trương chuẩn bị cho các đơn hàng những ngày cận dịp Quốc khánh 2/9.
Người thanh niên trẻ tuổi đứng ở vị trí máy cắt, chốc chốc lại chỉnh lại tấm vải màu đỏ cho đường cắt được ngay ngắn. Người phụ nữ ngồi ở máy khâu tỉ mỉ, chau chuốt với từng đường chỉ để may cờ. Phía bên ngoài sân, người in, người thu phơi, người gập, ai này cũng đều hối hả nhưng rất chỉn chu trong việc hoàn thiện những lá cờ Tổ quốc.
Không khí làm việc tại cơ sở sản xuất của anh Phục.
Anh Phục, chủ cơ sở, chia sẻ, mỗi là cờ treo lên đều là biểu tượng của đất nước, niềm tự hào dân tộc nên đòi hỏi người làm nghề sự bình tĩnh và tỉ mỉ, các công đoạn cần sự chính xác ngay từ bước đầu chọn vải.
"Làm cờ Tổ quốc là một nghề đặc thù. Chọn vải sao cho chất liệu và màu sắc phải bền, màu cờ phải đỏ thắm, ngôi sao vàng tươi. Độ dài rộng cho đến ngôi sao ở giữa đều phải được tính toán tỷ lệ chuẩn chỉ theo đúng quy cách, hiến pháp của Nhà nước, không được phép sai lệch", anh Phục cho hay.
Cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng vừa hoàn thiện, cảm xúc tự hào hiện rõ trên nét mặt anh Phục. Anh cho biết đã theo cha ông làm nghề từ khi còn trẻ. Trước đây, nghề làm cờ rất thủ công, cần nhiều người làm và tốn nhiều thời gian nên có năm làm không kịp hàng. Tuy nhiên, hiện nay xưởng của anh áp dụng máy móc sản xuất hiện đại, tự động và được lập trình trên máy vi tính nên độ chính xác và năng xuất rất cao.
"Không chỉ là niềm đam mê mà để theo nghề thì buộc phải đầu tư, thậm chí là phải chạy theo sự tiến bộ của công nghệ. Đơn cử, giá của mỗi chiếc máy cắt laser hiện nay lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng nếu không đầu tư thì sẽ bị tụt hậu từ chất lượng cho đến sản lượng, khiến khả năng cạnh tranh suy giảm, thu nhập cũng sẽ đi xuống và đương nhiên là không thể bám nghề", anh Phục chia sẻ.
Anh Phục tự hào khi có thể làm và gìn giữ được nghề may cờ Tổ quốc.
Những sản phẩm của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Thủ đô Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn. Không chỉ riêng Quốc khánh 2/9, hàng loạt dịp lễ kỷ niệm khác như 30/4, 19/8,… hay những sự kiện cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam thì cả nước đều chìm trong sắc đỏ của Quốc kỳ. Bên cạnh đó, các cơ sở làm cờ trong làng Từ Vân còn nhận sản xuất thêm cờ các quốc gia, băng rôn, logo,… phục vụ cho nhiều sự kiện công-tư khác nhau. Điều này giúp các cơ sở có thêm doanh thu, để người dân Từ Vân yên tâm sống và gắn bó với nghề, cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ trường tồn với thời gian.
Hoa Vũ
Ảnh: Hiếu Nguyễn