Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự thảo thành lập trung đoàn không quân công an nhân dân, trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh: Thêm “quả đấm thép” phòng chống tội phạm trong tình hình mới

(DS&PL) -

Hiện bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo báo cáo tác động chính sách trong dự án luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Hiện bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo báo cáo tác động chính sách trong dự án luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Trong đó có việc tăng thêm một số tổ chức mới như Trung đoàn Không quân Công an Nhân dân, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh.

Cảnh sát cơ động đặc nhiệm cần được trang bị, sử dụng trực thăng để truy bắt tội phạm và xử lý các tình huống, đảm bảo an ninh, trật tự. Ảnh: Công an nhân dân

Tinh nhuệ, thiện chiến trong tình hình mới

Mục tiêu của việc thành lập các đơn vị này là nhằm để tăng cường cho lực lượng trong tình hình mới. Riêng trung đoàn Không quân sẽ phối hợp với quân đội để huấn luyện cảnh sát cơ động đặc nhiệm được trang bị, sử dụng trực thăng cảnh sát để truy bắt tội phạm và xử lý các tình huống, đảm bảo an ninh, trật tự. Trong khi đó, theo bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thì Cảnh sát cơ động Kỵ binh sẽ sử dụng ngựa để phục vụ công tác chiến đấu với tội phạm và thực hiện nghi thức, nghi lễ. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thành lập Trung đoàn Không quân thuộc lực lượng cảnh sát cơ động là điều rất nên làm và cần phải sớm chuẩn bị lộ trình để trình các cấp có thẩm quyền và đi vào triển khai thực hiện.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Toàn, đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Tốt nhất là trong khoảng 5 năm tới nên thành lập được lực lượng này. Bởi, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào công cuộc hội nhập trong xu thế tất yếu của thế giới. Chính vì thế các loại tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều, với nhiều mánh khoé tinh vi. Điển hình như hàng loạt các tội phạm người Trung Quốc sang Việt Nam sử dụng công nghệ cao, các loại hung khí - vũ khí, trang thiết bị khác để làm công cụ gây án. Như như tấn công mạng, đánh cắp tiền tại các trụ ATM... là điển hình”.

Hơn thế nữa, “Việt Nam là quốc gia có vùng trời vùng biển tương đối phức tạp, nếu được trang bị trực thăng hay các loại máy bay chiến đấu khác để trấn áp các loại tội phạm là rất cần thiết và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Tôi lấy ví dụ các loại tội phạm như cướp biển hay trên các tuyến cao tốc, khi truy đuổi tội phạm thì rất khó khăn cho lực lượng chức năng, lại ảnh hưởng tới người dân. Do đó, chỉ có các loại máy bay mới có thể ngăn chặn và hạn chế được mức độ thương vong của người dân cũng như khả năng trấn áp tội phạm sẽ cao hơn”, Thạc sĩ Toàn cho biết thêm.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ hưu trí tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng cho rằng: “Thực tế, bàn về việc trang bị máy bay cho lực lượng cảnh sát cũng đã được nói tới từ hồi 2013 trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên đến nay mới bàn lại tôi cho rằng như vậy là cũng đã muộn rồi. Bởi, trong quá trình tác chiến thì cảnh sát cơ động luôn hoạt động theo phương thức cơ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và trấn áp mọi âm mưu phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, gây rối hay các hoạt động khác...”.

Cũng theo TS.Hùng thì: “Trong những tình huống như vậy, việc sử dụng máy bay kết hợp với các loại phương tiện khác như xe bọc thép, xe thép gai, tàu thuỷ và một số vũ khí hạng nặng khác là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các loại tội phạm thường lẩn trốn hoặc chọn lập hang ổ ở những khu vực phức tạp như đồi, núi, rừng, khu vực biên giới lại rất nguy hiểm, thường có trang bị vũ khí thì việc trang bị máy bay hay các thiết bị hiện đại khác như máy bay không người lái là rất cần thiết và rất khó có thể thay thế. Do đó, đây là yêu cầu tất yếu”.

Phù hợp xu thế

Đánh giá về những kế hoạch này của bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, nếu điều kiện kinh tế cho phép thì việc thành lập Trung đoàn Không quân, trang bị trực thăng vũ trang cho cảnh sát cơ động để trấn áp tội phạm cũng rất cần thiết.

Theo tướng Hồng, "hiện nay tội phạm ma túy và nhiều loại tội phạm mới rất manh động và có phương tiện hiện đại, nên việc trang bị cho cảnh sát trực thăng vũ trang để xử lý các tình huống khẩn cấp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn". Nếu có trực thăng, khi cần lập tổ tác chiến nhanh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để đấu tranh với tội phạm sẽ giúp rút ngắn thời gian và công sức cho cảnh sát. "Tuy nhiên việc thành lập Trung đoàn không quân này cũng cần phải xem xét thấu đáo, làm sao để phù hợp với hoàn cảnh thực tế nhất", tướng Hồng nhấn mạnh.

Với Trung đoàn Kỵ Binh, tướng Hồng cho rằng quân đội đã cấp ngựa cho cán bộ, chiến sĩ tuần tra biên phòng ở vùng núi nên cũng có thể cân nhắc cấp loại động vật này cho công an. Tuy nhiên, việc thành lập riêng Trung đoàn Kỵ Binh là chưa cần thiết.

Đánh giá về vấn đề này, TS.Nguyễn Văn Dũng, trường đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng: “Việc trang bị các loại máy bay cho lực lượng cảnh sát cơ động cũng phù hợp với xu thế, đặc biệt là trong việc hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm mang tính liên vùng, xuyên quốc gia - quốc tế khác. Thậm chí, ngay cả trong đô thị hiện nay, các tòa nhà cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều, do đó, việc dùng máy bay trực thăng để truy đuổi, tránh để mất dấu tội phạm cũng là vấn đề cần phải quan tâm”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, để thành lập trung đoàn này cần phải tính toán lộ trình, bước đi phù hợp. “Cần phải tính đến lộ trình thích hợp, để có nguồn ngân sách đáp ứng được yêu cầu, chứ không thể nói hiện đại hóa hôm nay là ngày mai có thể hiện đại được ngay. Hơn nữa, cũng phải chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ để có thể sử dụng được các loại trang thiết bị, phương tiện này. Đồng thời, có cơ sở hạ tầng tốt để có thể khai thác tối đa công năng, tránh để lãng phí... là những vấn đề cần phải quan tâm”, TS.Dũng nói thêm.

Có thể thí điểm… đội Kỵ binh

Theo Thạc sĩ Toàn thì: “Việc thành lập Trung đoàn Kỵ binh là chưa cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, có thể thí điểm cho các địa phương hoặc những đơn vị (phối hợp với bộ đội biên phòng) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội tại vùng biên giới của Tổ quốc. Đây là những khu vực có nhiều địa hình phức tạp, như: Đồi, núi, rừng... thì ngựa là cần thiết”.

Hơn nữa, “để đối phó với các loại tội phạm nguy hiểm như buôn bán người, vũ khí, ma túy và các loại hàng cấm khác ở khu vực biên giới... thì ngựa (cùng với máy bay) là những “phương tiện” di chuyển cực kỳ hiệu quả. Nếu có ngựa áp dụng trong những trường hợp này rất tốt và và giúp cho lực lượng cảnh sát cơ động có thể trấn áp tội phạm nhanh hơn, tốt hơn”, Thạc sỹ Toàn lý giải thêm.

Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ khác, ông Trần Hoàng Thiên, Giám đốc một công ty vệ sĩ tại TP.HCM lại cho rằng: “Có thể thành lập một đội nhỏ Kỵ binh, nằm trong lực lượng nào đó, chứ chưa nên thành lập lên cấp trung đoàn. Việc thí điểm này nhằm mục đích phục vụ cho việc thực hiện các nghi lễ của lực lượng hoặc của lãnh đạo, chính khách. Sau đó, có đánh giá hiệu quả rồi mới tính các phương án thành lập tới cấp trung đoàn”.

Đồng thời, “Đội Kỵ binh này còn thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong khu vực đô thị. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cưỡi ngựa cũng sẽ làm khiến họ trở nên gần gũi hơn, thân thiện hơn và mềm mại hơn trong mắt người dân, đặc biệt là đối với khách du lịch khi đến với các đô thị lớn của Việt Nam. Hơn nữa, hình ảnh này cũng tạo nên sự thích thú cho khách du lịch”, ông Thiên khuyến nghị.

Chí Thanh

 Bài đăng trên ẩn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật Tháng số 46

Tin nổi bật