Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia: Nên tiếp cận theo hướng tuyên truyền, thay đổi nhận thức

(DS&PL) -

Về nội dung “bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau”, nhiều ĐBQH cho rằng, quy định này rất khó khả thi.

Ngày 31/5, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có Phiếu gửi các ĐBQH để xin ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, có nội dung “bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau”. Xung quanh vấn đề này, nhiều ĐBQH cho rằng quy định rất khó khả thi!

Phó trưởng Ban Dân nguyện QH Lưu Bình Nhưỡng: Quy định rất hay nhưng…

Quy định cấm bán mặt hàng này tại chỗ theo giờ, thoạt nghe qua rất hay, chế tài rất mạnh, rất có lợi cho sức khỏe cũng như bảo đảm an ninh, trật tự cho xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ là người kiểm soát, quản lý để khẳng định các quán bar, quán nhậu… sẽ không bán rượu bia sau 22h đến 8h sáng hôm sau? Liệu có bảo đảm rằng, cả người bán và người sử dụng sẽ không “lách luật” bằng cách “né” giờ cấm và sử dụng, bán nhiều hơn vào các khung giờ cho phép. Hay, cứ quy định rồi lại để đấy, không thực thi được, làm mất tính nghiêm minh của pháp luật… Đây là điều khiến tôi băn khoăn nhất!

Bên cạnh đó, chưa tính đến những xung đột giữa tác hại của rượu, bia với lợi nhuận của nhà sản xuất mà theo tôi, đây là một vấn đề xã hội lớn. Bởi, không chỉ liên quan đến các nhà sản xuất mà liên quan đến thu nhập xã hội - 200.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. Cần có sự đánh giá tác động đầy đủ bởi nhà sản xuất đã làm đề án và Thủ tướng đã quyết định. Do đó, tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là dự luật cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu như nhậu nhẹt tràn lan, ép nhau uống rượu, bia. Luật cần góp phần xây dựng văn hóa mới, có thể đưa vào những quy tắc, quy chuẩn về uống rượu bia, những thói quen thanh lịch uống rượu bia mà nhiều nơi trên thế giới đã có.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền: Tính khả thi chỉ ở phạm vi rất hẹp!

Theo tôi, khi đã bổ sung, đưa vào Dự thảo bất cứ một quy định nào cũng cần phải có đánh giá tác động. Xét trên nhiều khía cạnh, tôi cho rằng tính khả thi của quy định này, nếu có cũng chỉ ở phạm vi rất hẹp là một số quán bar, vũ trường, phố ẩm thực… - những địa điểm này hoạt động chủ yếu sau 22h và phục vụ khách du lịch là chính. Tuy nhiên, ở các khu vực quán bar, vũ trường, phố ẩm thực cũng đã có những quy định riêng của nó như vào ngày cuối tuần ở phố đi bộ trên quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chẳng hạn: “Mọi hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán bar sau 24h phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh; đăng ký kinh doanh với quận Hoàn Kiếm; có cách âm tốt không gây ảnh hưởng đến các người dân xung quanh và nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em”.

Ở đây, tôi chưa bàn đến những tác động không mong muốn đến các đối tượng là người kinh doanh, người sản xuất mặt hàng rượu bia, mà điểm sơ qua thì sẽ thấy, nó ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Rõ ràng, nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam rất thích thú với món đặc sản “nhậu vỉa hè”, “nhậu đêm” của Hà Nội. Từ góc độ của người xây dựng luật tôi cho rằng, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia không nên bao trùm nhiều quá. Chúng ta cũng không nên dùng biện pháp pháp luật, hành chính làm cốt lõi để ứng xử với việc uống rượu, bia, bởi sẽ khó có kết quả tốt. Thay vào đó, Dự thảo Luật nên hướng đến tính cảnh báo, và lấy tuyên truyền làm trọng tâm để thay đổi thói quen, văn hóa khi sử dụng rượu, bia.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Quy định mà không có chế tài cụ thể sẽ không khả thi!

Đồng ý việc bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau” nhưng tôi đề nghị, cơ quan soạn thảo phải có đánh giá tác động, đưa ra được chế tài cụ thể (cụ thể hóa quy định bằng văn bản dưới luật, nghị định, thông tư…), chứ nếu chỉ dừng lại ở việc quy định chung chung thì không nên đưa vào làm gì.

Tôi cũng cho rằng, dù có đánh giá tác động, có chế tài cụ thể nhưng chúng ta cũng chỉ nên áp dụng có lộ trình cho một nhóm đối tượng như quán bar, vũ trường, karaoke và những đô thị, thành phố lớn, khu du lịch… Còn những nhóm đối tượng khác hoạt động trong khu vực chợ đêm chẳng hạn sẽ thế nào nếu luật này ban hành? Do đó, nói có lộ trình và áp dụng cho nhóm đối tượng cụ thể nêu trên là để tránh việc luật ra đời không đi vào cuộc sống được; đồng thời cũng là hài hòa lợi ích cho người sản xuất, các hộ kinh doanh, nhất là các hộ nhỏ lẻ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, ăn uống, nhà hàng. Bên cạnh đó, khi lộ trình áp dụng thí điểm kết thúc, phải có tổng kết, đánh giá cụ thể, nếu khả thi mới nhân rộng và áp dụng đại trà.

Ngoài phải có các chế tài cụ thể, rõ ràng, tôi cũng tán thành quan điểm lấy việc tuyên truyền làm chủ đạo trong định hướng xây dựng luật nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của cả người sản xuất, kinh doanh lẫn người sử dụng rượu, bia. Khi nhận thức thay đổi, người sản xuất, kinh doanh sẽ tự có ý thức điều chuyển kế hoạch kinh doanh; người sử dụng sẽ thay đổi hành vi, sẽ biết dừng lại khi nào là phù hợp.

Nếu luật ra đời không khả thi thì sẽ rất tốn kém cả về công sức, tiền của. Do đó phải làm rõ cả về phạm vi, đối tượng; cơ chế và người được giao thực hiện.

Theo Báo Đại Biểu Nhân Dân

Tin nổi bật