Ngày 22/12 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu trị giá khoảng 1,7 nghìn tỷ USD tài trợ cho chính phủ liên bang và gửi một đợt hỗ trợ tài chính khác cho Ukraine. Dự luật được thông qua một ngày sau khi các nhà lập pháp Mỹ chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Đồi Capitol, New York Times đưa tin.
Dự luật dài 4.155 trang tài trợ cho chính phủ liên bang Mỹ đến hết tháng 9 năm sau và tăng đáng kể chi tiêu. Ảnh: New York Times.
Dự luật này cung cấp gần 50 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, hiện đang được chuyển đến Hạ viện để bỏ phiếu và dự kiến sẽ thông qua trước khi được gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật sau chưa đầy 3 ngày kể từ khi nó được công bố, trong bối cảnh các nhà lập pháp của quốc gia này đang chạy đua để ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ, đồng thời hệ thống hóa hàng chục ưu tiên về tài chính và lập pháp.
Chuyến thăm của ông Zelensky đến Washington đã tăng cường áp lực cần phải hành động theo biện pháp, trong đó bao gồm gần 50 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine.
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 68/29 để dự luật có thể gửi tới Hạ viện, dự kiến sẽ thông qua vào ngày 23/12. Sau khi được Hạ viện thông qua, Tổng thống Biden sẽ ký phê duyệt dự luật này.
Các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện đặt mục tiêu thông qua dự luật dài 4.155 trang và trình lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào cuối tuần nhằm đảm bảo không có sự gián đoạn nào đối với các hoạt động của chính phủ.
Dự luật tài trợ cho chính phủ liên bang Mỹ đến cuối tháng 9/2023, giúp tăng đáng kể chi tiêu đồng thời cung cấp 858 tỷ USD chi tiêu quân sự và hơn 772 tỷ USD cho các chương trình trong nước.
Để giành được số phiếu bầu cần thiết của đảng Cộng hòa giúp dự luật được thông qua tại Thượng viện, đảng Dân chủ đã đồng ý tăng chi tiêu tổng thể cao hơn cho các chương trình quân sự và quốc phòng so với các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cựu chiến binh.
Ngoài các khoản chi tiêu, dự luật bao gồm các biện pháp khác bao gồm lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu và làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc xác nhận kết quả các cuộc bầu cử - một nỗ lực nhằm tránh lặp lại sự kiện ngày 6/1/2021.
Bích Thảo (Theo New York Times)