Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Du học sinh Việt ở Đức nói về "tâm thư" gây bão Facebook

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mấy ngày vừa qua, bức tâm thư của một du học sinh Nhật Bản nói về văn hóa con người Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mạng...

(ĐSPL) - Mấy ngày vừa qua, bức tâm thư của một du học sinh Nhật Bản nói về văn hóa con người Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mạng, đặc biệt là những người quan tâm đến giáo dục nước nhà.

Để rộng đường dư luận, báo Đời sống và Pháp luật đã phỏng vấn và xin đăng tải ý kiến của Bùi Vũ Hiệp - Cử nhân Luật, đang theo học thạc sĩ tại Đại học tổng hợp Bremen, Cộng hòa Liên bang Đức.

Bùi Vũ Hiệp - Cử nhân Luật, đang theo học thạc sĩ tại Đại học tổng hợp Bremen, Cộng hòa Liên bang Đức.

Tôi đã đọc trên Internet “tâm thư” được cho là của một bạn trẻ người Nhật gửi giới trẻ Việt Nam. Qua bức thư, bạn trẻ này đã làm một phép so sánh giữa văn hóa Nhật Bản và văn hóa Việt Nam. Thông thường, sự so sánh này được thực hiện bởi chính chúng ta và được phản ánh trên thực tế bằng hiện tượng tạm gọi là người Việt sau một thời gian ra nước ngoài học tập, sinh sống quay lại “nói xấu” Việt Nam.

Thú vị ở đây là việc chúng ta được nghe những ý kiến tương tự, nhưng từ phía một người nước ngoài sau 4 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam. Dù được thực hiện bởi ai thì trong cả 2 trường hợp nói trên, phép so sánh đều xuất phát từ những chủ thể đã có thời gian tiếp xúc, trải nghiệm văn hóa Việt Nam và văn hóa của một quốc gia khác văn minh, trật tự, nền nếp hơn.

Bàn về vấn đề này, dưới góc độ của mình, tôi xin có ý kiến xung quanh thuật ngữ “tầm nhìn”. Trên thực tế, “tầm nhìn” chỉ việc bạn có thể nhìn bao xa. Gần nhất chúng ta có thể thấy được vết bẩn trên mũi mình, xa nhất có thể tới đường chân trời. Trừu tượng hơn, tầm nhìn là tầm bao quát, phạm vi nhận thức của chúng ta về một vấn đề nào đó và nó phản ánh ngay trong cách ứng xử giữa người với người.

Lấy ví dụ như: Anh chị em trong nhà có thể cãi nhau, bất hòa vì một số lợi ích nào đó, lúc này “tầm nhìn” của họ hạn hẹp ở góc độ cá nhân. Tuy nhiên, đối với người ngoài, họ sẵn sàng bảo vệ, hỗ trợ lẫn nhau bằng tất cả khả năng của mình, lúc này “tầm nhìn" của họ đã bao quát tới phạm vi gia đình.

Những đứa trẻ trong phố có thể không ưa gì nhau, nhưng khi thi đấu đá bóng với một khu phố khác, chúng trở nên đoàn kết và trở thành những chiến hữu không thể đáng tin cậy hơn - “Tầm nhìn” phát triển từ góc độ cá nhân tới phạm vi “khu phố”.

Khi đất nước bị xâm lược, nhân dân cả nước đồng lòng, hy sinh mọi quyền lợi của mình bảo vệ Tổ quốc - “Tầm nhìn” phát triển tới góc độ quốc gia, lợi ích dân tộc.

Từ những ví dụ mà bạn trẻ người Nhật đưa ra có thể thấy, “tầm nhìn” của người Việt, của văn hóa Việt Nam hiện nay chủ yếu ở phạm vi cá nhân, phạm vi phục vụ lợi ích nhóm, không quan tâm tới tập thể hay cộng đồng.

Nếu “tầm nhìn” của người Việt bao quát ở góc độ cộng đồng, họ sẽ thấy nếu chúng ta không xếp hàng, ai cũng muốn chen lên trước, thì những người nhỏ bé, trẻ em, người già có lẽ sẽ khó có thể chờ đến lượt mình. Khi họ lừa lọc, bán những sản phẩm kém chất lượng ra thị trường hay xả thải ra môi trường, điều này sẽ tàn phá sức khỏe và môi trường sống của những người khác.

Vấn đề là người Việt Nam có nhận thấy điều đó không? Tôi dám chắc là có. Tuy nhiên, trong một xã hội còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết, đồng tiền được đặt lên trên hết, bên cạnh đó mức sống của người dân còn thấp, những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đã buộc “tầm nhìn” của người Việt bị thu hẹp lại và khi người ta chỉ chăm chú quan sát vết bẩn trên mũi của mình và không nhìn về phía trước, bước đi của họ sẽ chà đạp lên lợi ích của những người khác.

Vậy chúng ta có thể làm gì để cải thiện “tầm nhìn” của người Việt? Theo tôi yếu tố tiên quyết là mức sống của người dân phải được nâng cao, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo.

Bàn về công tác đào tạo và người Nhật, tôi đã có dịp tham gia một hội chợ ẩm thực của cộng đồng người Nhật đang sinh sống tại Hà Nội được tổ chức tại sân bóng đá của một trường học quốc tế. Trong hội chợ, rất nhiều đồ ăn được chế biến, bày bán và mọi người ăn uống ngoài trời. Kết thúc hội chợ, sau khi mọi người ra về, tôi có ở lại và rất bất ngờ, trên sân chỉ có một màu xanh của cỏ, hoàn toàn không có giấy rác bị bỏ lại.

Một người Nhật nói với tôi rằng, ngay từ bé trẻ em Nhật Bản đã được dạy thói quen sinh hoạt ngăn nắp, vứt rác đúng chỗ, bảo vệ môi trường; hơn nữa trong hội chợ này có nhiều người Việt Nam tham gia, chúng tôi càng phải ý thức hơn để có cái nhìn thiện cảm từ phía các bạn.

Như vậy có thể thấy, “tầm nhìn” của người Nhật đã bao quát cả cộng đồng và bao gồm luôn cả góc độ “thể diện quốc gia”.

Tôi cho rằng thế hệ trẻ chúng ta - rường cột tương lai của đất nước hãy tự nâng cao ý thức của chính mình, phóng tầm nhìn ra một phạm vi rộng lớn hơn, quan tâm tới tập thể, cộng đồng hay cao hơn là quốc gia. Để làm được điều này cần có sự quyết tâm và đoàn kết của tất cả mọi người, chỉ với sự nỗ lực của một bộ phận nhỏ sẽ không có tác dụng. Những đứa trẻ khi đã được giáo dục về văn hóa xếp hàng, nhưng khi nó nhận ra rằng tại những nơi công cộng không ai làm như vậy và sự thua thiệt luôn luôn thuộc về mình, thì “tầm nhìn” của chúng theo thời gian tự nhiên sẽ bị thu hẹp, chúng sẽ quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của chính mình và văn hóa của chúng ta sẽ quay lại với cái vòng luẩn quẩn, có xuất phát nhưng không bao giờ đạt được kết quả.

Hãy chứng minh rằng chúng ta tin vào chính mình, chúng ta có thể cải thiện “tầm nhìn” của người Việt, duy trì, phát huy nền văn hiến ngàn đời và trong tương lai xã hội Việt Nam sẽ trở nên thực sự văn minh, hiện đại.

Xem thêm clip Cô gái xương thủy tinh trở thành Giám đốc trung tâm dạy nghề:

Tin nổi bật