Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Khi “nút thắt” được tháo gỡ

(DS&PL) -

“Nút thắt” lớn nhất với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cuối cùng cũng được tháo gỡ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức được phép dùng vốn chủ sở hữu để “giải cứu”....

“Nút thắt” lớn nhất với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cuối cùng cũng được tháo gỡ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức được phép dùng vốn chủ sở hữu để “giải cứu” dự án trọng điểm quốc gia này.

Toàn cảnh công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tiến độ tổng thể đạt hơn 85%. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Sau thời gian dài chờ đợi, “nút thắt” lớn nhất với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cuối cùng cũng được tháo gỡ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chính thức được phép dùng vốn chủ sở hữu để “giải cứu” dự án trọng điểm quốc gia này thoát khỏi bờ vực phá sản.

* Lợi ích nhiều mặt

Theo đại diện PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành.

Quyết định về cơ chế tài chính cho Dự án này được thông qua trên cơ sở thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc của Dự án vào cuối tháng 2/2020.

Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng cho biết, quyết định chính thức cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giúp Dự án về đích là điều kiện tiên quyết giúp “giải cứu” một dự án trọng điểm quốc gia đang bên bờ phá sản.

Theo TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra những tác động bất lợi đến nền kinh tế thì việc ban hành cơ chế “giải cứu” này là đúng lúc và quan trọng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Trần Đình Thiên lý giải, mặc dù quy định vốn chủ sở hữu không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án là để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư công, nhưng có những trường hợp đặc biệt do tình thế đặc biệt nên quy trình cần linh hoạt.

"Trong trường hợp Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, việc chấp thuận cho PVN dùng vốn chủ sở sữu để "giải cứu" dự án sẽ tránh cho ngân sách thất thoát hơn 32 nghìn tỷ đồng đã giải ngân. Tuy nhiên, cùng với việc cởi bỏ “nút thắt” lớn nhất này thì PVN cũng phải làm rõ cả cơ chế giải trình, chịu trách nhiệm cá nhân để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả dự án, công tác nghiệm thu thanh toán để dự án triển khai đúng tiến độ và tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Thiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam chỉ rõ, quyết định cho phép PVN bỏ tiền “cứu” dự án là hợp lý bởi dự án đã giải ngân 75% tổng vốn, hoàn thiện gần 85% hạng mục, trong khi ngân sách đầu tư công hạn hẹp. Thêm vào đó, với công suất lên tới 1.200 MW, khi đi vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giải “cơn khát” điện cho hệ thống.

Trước đó, theo tính toán của Bộ Công thương, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành chính thức sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia thêm 7 tỷ kWh/năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, hệ thống sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỷ đồng/năm để chạy dầu bù sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo PVN và Ban Quản lý Dự án thường xuyên đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo tại công trường. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

* Vượt khó về đích

Theo Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng, tính đến hết quý I/2020, Dự án đã đạt hơn 85%; trong đó, tiến độ thiết kế đạt 99,63%; các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,8%; thi công đạt 82,78%; chạy thử đạt 11,25%.

Tuy nhiên, khó khăn cũng chưa phải đã hết bởi từng mốc tiến độ cụ thể phát điện của các tổ máy sẽ phụ thuộc nhiều vào tính đồng bộ của các hạng mục, đặc biệt các hạng mục chưa hoàn thành trong thời gian qua.

“Quyết định cho phép PVN dùng vốn chủ sở hữu để đầu tư tiếp cho dự án mới là điều kiện cần, còn sử dụng như thế nào, phương thức giải ngân ra sao thì vẫn cần có hành lang pháp lý cụ thể và minh bạch để việc sử dụng đúng đối tượng, mục đích, tránh vướng mắc ảnh hưởng tiến độ và đảm bảo pháp lý cho đội ngũ thực hiện”, ông Hưởng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Dự án triển khai trong thời gian dài, liên quan nhiều lĩnh vực trong khi hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến dự án có nhiều thay đổi, chưa đồng bộ, thống nhất. Cụ thể, cơ chế thực hiện theo Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11/12/2013 về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020) cần có hướng dẫn đầy đủ cho dự án chuyển tiếp bởi cách hiểu và áp dụng có thể khác nhau, dẫn đến khó vận dụng và nhiều rủi ro trong cả khâu tham mưu, đề xuất và ra quyết định.

Vì vậy, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là các cấp có thẩm quyền xem xét các kiến nghị của PVN để tháo gỡ, tạo sự đồng bộ, thống nhất về hành lang pháp lý cho dự án tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định.

Một khó khăn khác đối với Dự án là vấn đề nguồn lực. Trong hơn một năm qua, do “nút thắt” cơ chế tài chính chưa được phê duyệt nên Tổng thầu PVC không có tiền thanh toán cho khối lượng công việc đã thực hiện của các nhà thầu khiến các bên không thể huy động nhân lực hoặc rút nhân lực.

Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc tại Dự án. Mặc dù Ban quản lý Dự án đã triển khai làm việc trực tuyến với các bên, nhưng việc triển khai Dự án khó thể đẩy nhanh bởi tiến độ thực tế là do lực lượng lao động tại công trường quyết định, ông Hưởng chia sẻ.

Nhà thầu Lilama trên công trường. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Để vượt qua các khó khăn này, Ban quản lý Dự án đang khẩn trương xác đinh khối lượng và giá trị đã hoàn thành bao gồm giá trị dang dở; khối lượng và giá trị còn lại để hoàn thành dự án. Cùng đó, rà soát, cân đối các khoản chi phí, tiến hành lập kế hoạch dự kiến chi phí cho các mốc cụ thể cũng như chi phí dự phòng còn lại; các khoản phát sinh trong từng kịch bản.

Ban quản lý cũng đang đánh giá năng lực các nhà thầu hiện có, quyết định phương án duy trì, thay thế đối với từng trường hợp; kể cả cắt giảm một số hạng mục bị chậm do Tổng thầu không có phương án khả thi hoàn thành.

Trong quá trình này, Ban quản lý sẽ hỗ trợ Tổng thầu xử lý các vướng mắc với các nhà thầu nước ngoài để đẩy nhanh công tác chạy thử. Nếu thuận lợi, Dự án cố gắng phát điện trong năm 2021, Trưởng ban Nguyễn Thành Hưởng cho biết.

Về phía Tập đoàn, PVN đã có các Nghị quyết để huy động nguồn lực hợp pháp từ Tập đoàn hỗ trợ tối đa cho các bên tham gia dự án. PVN cũng xem xét việc tham mưu và ban hành quyết đinh, phân cấp ủy quyền, giao nhiệm vụ cho các cá nhân, bộ phận liên quan nhằm rút ngắn tối đa thời gian, nâng cao hiệu quả công việc.

Để chuẩn bị các bước tiếp theo, lãnh đạo PVN cũng yêu cầu Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trình tổng thể các vấn đề tồn đọng của dự án trong tháng 4/2020 để Hội đồng Thành viên PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm tổ chức cuộc họp triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, đường găng tiến độ của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2019 là rất cấp bách. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực từ phía PVN, giải pháp quan trọng là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng quyết liệt vào cuộc, chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần khẩn trương thì dự án mới có thể về đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Thu Hà

Tin nổi bật