Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Drama - kịch tính ở các gameshow: Con dao hai lưỡi khiến các nghệ sĩ “mất điểm” trầm trọng

(DS&PL) -

Nhiều người cho rằng, việc cãi nhau, mỉa mai và thậm chí là đụng chân đụng tay để giải quyết mâu thuẫn đã khiến gameshow truyền hình có lúc như một cái “chợ vỡ”.

Thời gian gần đây, gameshow trên truyền hình bị “ế khách”. Nhiều người cho rằng, việc cãi nhau, mỉa mai và thậm chí là đụng chân đụng tay để giải quyết mâu thuẫn đã khiến gameshow truyền hình có lúc như một cái “chợ vỡ” khiến khán giả ngán ngẩm...

Từng được tôn vinh là “ông hoàng” của lĩnh vực giải trí

Nếu khoảng 5-6 năm về trước gameshow trên truyền hình được coi là “ông hoàng” giải trí của khán giả, thậm chí có những chương trình thực tế trên VTV được nhiều người “tôn vinh” vì nhiều thí sinh, người mẫu bước ra từ các gameshow này thành danh thì hiện tại nhiều gameshow bị ế ẩm, nhiều người chê trách. Đến thời điểm hiện tại, vẫn nhiều gameshow truyền hình thực tế được phát sóng trên truyền hình với đủ mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh cho đến thời trang. Việc xuất hiện quá nhiều gameshow đã khiến các nhà sản xuất buộc lòng tìm đủ mọi cách tăng sức hấp dẫn để gây ấn tượng với khán giả, "câu" rating. Và cách tăng sức hút duy nhất bên cạnh nội dung hay, sáng tạo đó chính là drama (tạo kịch tính cho chương trình - PV).

Mỗi nhân vật trong gameshow sẽ thoải mái bộc lộ cá tính riêng hoặc được sắm vai để tạo nên kịch tính cho chương trình, biến gameshow truyền hình thực tế không còn tồn tại nguyên nghĩa. Hay nói như nhiều khán giả rằng các gameshow được phát sóng hiện nay đều đã có kịch bản từ trước. Tuy nhiên, việc lạm dụng yếu tố drama đã khiến nhiều chương trình trở nên thiếu chất lượng, giả tạo. Nhà sản xuất chỉ chú tâm đến việc dàn dựng làm sao để tăng kịch tính, lấy nước mắt khán giả. Giám khảo, thí sinh đấu khẩu, mỉa mai nhau không thương tiếc hay thậm chí là xung đột đến mức “choảng” nhau cũng được đưa lên. Dĩ nhiên, những tình tiết này sẽ giúp chương trình rất được chú ý giữa một "rừng" gameshow hiện nay. Nhưng điều này đã vô tình biến môi trường truyền hình trở thành cái “chợ vỡ” đúng nghĩa.

Hoa khôi Nam Em và Lãnh Thanh trong chương trình Vô lăng tình yêu.

Một số gameshow trên truyền hình được khán giả “chỉ mặt đặt tên” với những ồn ào khiến khán giả khó chịu khi đưa kịch tính... quá đà. Chương trình 7 nụ cười xuân trên HTV7 cũng gây tranh cãi ở một số thử thách như một số nghệ sĩ đã cố tình thả tay ra để mâm đập thẳng xuống đầu đồng đội mình trong trò chơi Giới hạn căng não. Hay nụ hôn đồng giới giữa Ninh Dương Lan Ngọc và Lâm Vỹ Dạ trong trò Bịt mắt bắt dê cũng khiến khán giả... giật mình. Khán giả còn nhận thấy nghệ sĩ có xu hướng chơi khăm, đùa giỡn đồng nghiệp quá đà ngay trên sân khấu, nhất là Lâm Vỹ Dạ, nhiều lần chị cũng “chơi khăm” đồng nghiệp trong gameshow.

Tham gia chương trình truyền hình Vô lăng tình yêu, Hoa khôi Nam Em gây choáng cho khán giả khi giả vờ ngất xỉu. Vì muốn thử lòng Lãnh Thanh xem nam diễn viên có thực sự thích mình hay không, Nam Em chẳng tiếc công bày trò. Trong lúc ê - kíp sản xuất Vô lăng tình yêu và các thí sinh khác lo lắng, hoang mang chưa biết làm cách nào cấp cứu cho Nam Em thì Hoa khôi bất ngờ ngồi dậy và nói chỉ giả vờ ngất xỉu. Tình huống này, Trấn Thành thậm chí còn khẳng định rằng cách thử lòng của Nam Em là quá sai lầm và nhiều nghệ sĩ còn cho rằng cô hành xử khiến mọi người lo lắng là chưa đúng.

Drama, chiêu trò được xem là một phần không thể thiếu của các gameshow Việt hiện nay. Tuy nhiên, việc các nghệ sĩ lạm dụng drama thường dễ dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng. Trường hợp của Nam Em hay Lâm Vỹ Dạ là một ví dụ điển hình. Sau chương trình, Lâm Vỹ Dạ bị lập group anti -fan với số lượng lớn, trong khi đó, Nam Em khiến nhiều khán giả tiếc nuối vì những lần thiếu kiểm soát chính mình tại các gameshow khiến cô mất điểm. Trong khi người đẹp đang phải lấy lại hình ảnh từ loạt scandal tình ái với Trường Giang trước đây.

Chia sẻ với PV ĐS&PL, diễn viên Duy Nam cho hay: “Nhiều lý do để gameshow bị “thất sủng”, trong đó có việc các nhà sản xuất tạo kịch tính quá đà, họ để người chơi “diễn sâu” quá, nhưng cái gì quá cũng không hay. Làm cho chương trình không tự nhiên, nhiều chi tiết bị giả tạo khiến cho khán giả cảm thấy không được tôn trọng. Bản thân các nhà sản xuất vẫn có các chiêu trò để tăng rating, kéo quảng cáo về nhưng việc “gia giảm” drama nhiều khi hơi quá nên người chơi vẫn nhận ra là chương trình có sự can thiệp, không còn tự nhiên. Các gameshow trên truyền hình hiện nay đang “ế khách”, đó là áp lực cho các đạo diễn nhưng tìm mọi cách như tạo tình huống giả, người chơi vờ ốm đau bệnh tật để kéo khán giả ngồi trước vô tuyến là một cách thiếu thông minh”.

Chiêu trò và những góc khuất

Đạo diễn Nguyễn Love – nhà sản xuất một số chương trình gameshow trên VTV cho hay: “Bản thân tôi sản xuất nhiều gameshow như Lựa chọn của trái tim, Quý cô hoàn hảo... đúng là thời điểm hiện tại, khán giả không chọn gameshow để xem. Có thể nói, thời kỳ hoàng kim của gameshow đã qua, nhưng tôi không tìm mọi cách để kéo view cho chương trình. Lượng rating là quan trọng. Tuy nhiên, bản thân tôi khi làm chương trình vẫn muốn có một chương trình gameshow “sạch”. Các thương hiệu cũng ghê lắm, những thương hiệu lớn nếu book show quảng cáo, họ cũng lựa chọn những chương trình “sạch”, có tầm chứ không phải cứ làm mọi cách để tạo drama, cứ nổi là có quảng cáo. Nếu có cũng không bền. Tôi vẫn làm theo hướng chậm nhưng chắc”.

Đạo diễn Nguyễn Love.

Khi được hỏi: Có thông tin, một số đạo diễn chương trình gameshow có “phím” cho người chơi cách để giật gân, tạo drama liệu có đúng? Đạo diễn Nguyễn Love cho hay: “Nếu có chuyện đó thì đạo diễn hơi kém. Đạo diễn thông minh chỉ tạo tình huống kịch tính, rồi xem người chơi ứng biến thế nào, những ứng biến đó phải tự nhiên có chứ kịch bản trước về drama thì không còn hấp dẫn. Bản thân tôi còn gặp chuyện tréo ngoe thế này, chính người chơi đề nghị mình là tạo dmara trong chương trình để họ được nổi tiếng. Nhưng tôi đã từ chối. Mình làm nghệ thuật là đi con đường dài chứ không vì kéo chương trình lên mà thương hiệu cá nhân mình đi xuống”.

Nói về việc tạo chiêu trò trong những gameshow, diễn viên Thanh Hương cho hay: “Nếu cứ sa đà vào việc tạo drama, người chơi sẽ rất “ăn thua” và chỉ muốn đánh gục đối phương bằng mọi giá. Tình tiết drama tạo chiêu trò là món ăn không thể thiếu của truyền hình thực tế, gameshow. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ phải có điểm dừng. Chiêu trò là một con dao 2 lưỡi, nếu thực hiện tốt thì sẽ thu hút khán giả nhưng ngược lại, lỏng lẻo trong khâu kiểm soát nội dung sẽ tạo ra sự phản cảm và cần bị lên án. Chương trình truyền hình thực tế là giải trí nhưng giải trí cũng cần có văn hóa”.

Theo nghệ sĩ Tiến Quang, thêm một lý do khiến cho gameshow rơi vào cảnh “chợ chiều” là thô quá mức. Thật khó tin, khi những ngôn từ chợ búa vẫn công khai xuất hiện trên truyền hình, như đoạn tán tỉnh của người nam dành cho người nữ: “Anh chăm em như một con heo vàng nhé. Anh dám chắc với em một điều sau khi chương trình này kết thúc, anh sẽ bưng em về nhà”. “Nói những câu trên khác gì rẻ tiền hoá gameshow và rẻ hoá cả chính người chơi. Người chơi nói như một con vẹt, không hiểu gì và làm cho khán giả cũng coi thường cả chương trình. Nên chăng ngay từ khi sản xuất, các đạo diễn nên tiết chế ngôn ngữ, tình tiết vì người xem có cả khán giả nhỏ tuổi, nếu các cháu học theo thì sẽ rất nguy hiểm...” – NS Tiến Quang tâm sự.

Các nhà Đài chịu trách nhiệm khi gameshow phát sóng

"PGS.TS Văn Thị Minh Hương - nguyên GĐ Nhạc viện TP.HCM cho rằng: “Cần tiết chế số lượng gameshow và có sự kiểm tra về chất lượng các gameshow trước khi phát sóng rộng rãi. Truyền hình là kênh thông tin chính thống của một đất nước không nên để tràn lan và “tùm lum” thiếu định hướng về quan điểm giáo dục, văn hóa, thẩm mỹ về nghệ thuật như thời gian qua. Các nhà Đài truyền hình phải chịu trách nhiệm “ về mọi mặt khi các chương trình được phát sóng”."

Lạc Thành
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (4)

Tin nổi bật