Ngày 2/11, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành quy tắc ứng xử của người làm trong các cơ quan Nhà nước, với nhiều quy định nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, viên chức của tỉnh; trong đó có quy định về trang phục, theo VTC News.
Cụ thể, khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ, các công chức, viên chức phải mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu và không được mặc quần jeans.
“Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc (quần, áo kín đáo, không được mặc quần jeans, áo thun không ve cổ). Khuyến khích nữ công chức, viên chức mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai hàng tuần, hội nghị hoặc các dịp đặc biệt của ngành. Đối với ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định riêng của ngành”, văn bản của UBND tỉnh Đồng Tháp nêu.
Bên cạnh đó, công chức, viên chức không được lên mạng xã hội, đeo tai nghe, mở nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử trong giờ làm việc; không tổ chức đánh bạc, tham gia các tệ nạn hoặc các hành vi khác trái với quy định pháp luật dưới mọi hình thức.
Tại nơi làm việc, hội họp, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức không hút thuốc lá; không uống rượu, bia và các chất kích thích có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc và những ngày được phân công trực (trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền phân công đi tiếp khách theo nghi thức lễ tân ngoại giao).
Ảnh minh họa. Nguồn: Giáo Dục Thời Đại
Đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp. Những người này phải tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”…
Việc ban hành quy tắc ứng xử nhằm quy định các chuẩn mực ứng xử, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước của tỉnh khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và quan hệ xã hội nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.
Ngoài ra, quy định trên nhằm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ và làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét trách nhiệm khi công chức, viên chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội.
Bích Thảo (T/h)