Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đồng bằng sông Cửu Long: Đầm tôm tàn phá môi trường

(DS&PL) -

Được coi là khu vực nuôi thủy sản lớn nhất của cả nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hàng ngàn héc-ta đầm tôm cung cấp một lượng lớn thủy sản cho thị trường.

Được coi là khu vực nuôi thủy sản lớn nhất của cả nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hàng ngàn héc-ta đầm tôm đang cung cấp một lượng lớn thủy sản cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều khu vực nuôi tôm tự phát, không trong quy hoạch đã phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên cũng như hủy hoại môi trường, đặc biệt là môi trường ven biển khiến nhiều loài thủy hải sản khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói, ngay cả cuộc sống của con người và sinh kế bền vững cũng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự thay đổi hệ sinh thái này.
Phá rừng nuôi tôm
Theo nhiều báo cáo, tại khu vực vùng ven biển Tây kéo dài từ mũi Cà Mau qua các địa phương như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang… với chiều dài hàng ngàn cây số cùng hàng trăm cánh rừng ngập mặn là nơi có ý nghĩa cực lớn với môi trường hệ sinh thái trong vùng. Nó được ví như một lá phổi xanh, một lá chắn thép để bảo vệ dải đất ven biển khỏi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, của triều cường, xâm thực hay sóng biển. Tuy nhiên, nơi đây cũng đồng thời là một khu vực không thể tốt hơn để những người nuôi tôm thực hiện các dự án mưu sinh của mình. Vì vậy, nhiều năm qua, hàng trăm héc-ta rừng ven biển đã bị biến thành những đầm tôm khiến hệ sinh thái môi trường nơi đây trở nên vô cùng bấp bênh, dễ tổn thương trước những tác động của môi trường xung quanh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có khoảng hơn 500 ngàn héc-ta diện tích mặt nước đầm nuôi tôm, chiếm tới 80\% diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong số này có tới 1/2 diện tích nằm ở những khu vực ven biển. Có thể nói, với lợi nhuận khá cao, tôm đang được rất nhiều nông dân ở khu vực này chọn làm vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự tàn phá môi trường, nhất là những khu vực nuôi tôm tự phát. Nó khiến cả một dải đất ven biển bị xé nát, băm nhỏ thành nhiều những đầm ao nhỏ mà không tuân theo bất cứ quy hoạch nào.
Theo những người nông dân ven biển Bình Đại (Bến Tre) thì cách đây khoảng hai chục năm, khu vực ven biển này đều là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút ngàn. Tuy nhiên, khi con tôm dần được thị trường ưa chuộng, nhiều người vì lợi nhuận đã lén lút phá bỏ dần những cánh rừng với cây bần, cây đước, cây trang… từ muôn đời nay để biến chúng thành những vuông tôm. Có thể nói, việc phá rừng thành những đầm tôm mới chỉ là bước đầu của việc tàn phá môi trường hệ sinh thái xung quanh. Nguy cơ tiếp theo của những đầm tôm mà người dân trong vùng phải đối mặt chính là việc nuôi tôm đã thải ra môi trường rất nhiều loại tạp chất, đặc biệt là hóa chất sử dụng để nạo vét đầm cũng như làm thức ăn, thuốc để nuôi tôm. Theo đó, tại những khu vực đầm tôm thải nước ra, hầu hết đều không có loại sinh vật nào có thể sống được. Hơn nữa, với những người dân có kinh nghiệm thì những khu vực nuôi tôm được coi là vùng “trắng” về hệ động thực vật. Nghĩa là, ở những nơi ấy, hầu như không có bất cứ loài động thực vật nào có thể sinh sống được chứ đừng nói đến việc phát triển.
Chính vì thế, với vô vàn những đầm tôm đang chiếm lĩnh khu vực rừng ven biển ở khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang là nguyên nhân gây biến đổi môi trường hệ sinh thái ven biển nơi đây. Nó cũng chính là tác nhân gây lên sự mất cân bằng trong cấu trúc các loài thủy hải sản ven biển. Nghĩa là, từ một vùng có sự đa dạng về hệ động vật với hàng trăm những loài quý hiếm đến nay, ở đây gần như đã không còn loài sinh vật nào có thể sống được, ngoại trừ con tôm. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi khi một phần lớn môi trường sống bị tiêu giảm, những loài động thực vật sinh sống dưới tán rừng ngập mặn sẽ không còn nơi cư trú, không còn thức ăn và điều kiện sinh sản, những nguyên nhân khiến chúng khó mà tồn tại được. Cụ thể, theo nhiều chuyên gia môi trường, trước kia ở những cánh rừng ngập mặn ven biển có hàng chục loài cá, tôm, giáp xác hay thủy sinh vật cùng một số loài bò sát, lưỡng cư… thì ngày nay, cũng ở những khu vực ấy nhưng khi đầm tôm xuất hiện, những loài động vật trên hầu như đã không còn nữa do môi trường sống tự nhiên của chúng đã mất đi. Điều này có thể trực tiếp hay gián tiếp đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên sinh kế của hàng ngàn nông dân sinh sống ven biển. Theo đó, trước kia nhiều nông dân có thể săn bắt cua, cá hay mực ở những cánh rừng ngập mặn ven biển để mưu sinh thì ngày nay, khi môi trường tự nhiên biến đổi, những loài động vật đó đã không còn để người dân khai thác. Không chỉ có vậy, hàng trăm những loài sinh vật biển sống bán cư ở rừng ngập mặn theo những con nước triều cũng di cư đi nơi khác. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều khu vực nuôi tôm, người dân làm nghề khai thác thủy sản cảm thấy khó sống hơn ở những khu vực có rừng tự nhiên phát triển.
Nhiều hệ lụy khó lường
Theo Vụ Phát triển rừng, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trong vòng khoảng 40 năm qua, rừng phòng hộ ven biển nước ta đã bị mất tới 65\% diện tích, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ rừng bị tàn phá là khoảng 80\%. Nguyên nhân chủ yếu của việc tàn phá rừng ven biển khác với rừng đầu nguồn là do chất lượng gỗ ở đây không sử dụng được. Rừng bị tàn phá không phải vì lấy gỗ mà vì để lấy diện tích dành cho nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng, dù có bị tàn phá theo cách nào thì khi những cánh rừng ven biển, nơi được coi là lá phổi che chắn để ngăn sự xâm thực của nước biển, triều cường và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng không còn. Chính điều này đã trực tiếp gây lên những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế xã hội trong vùng. Hàng ngàn hộ nông dân có thể bị mất nhà cửa, đất đai, bãi bồi bị nước cuốn đi do sự bảo vệ của rừng ngập mặn không còn. Bài toán về sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, về nguồn lợi do con tôm mang lại và những tác động tiêu cực đối với môi trường của đầm tôm đã nhiều lần được nói đến. Tuy nhiên, hầu hết những đánh giá về môi trường đều không được quan tâm đúng mức. Nghĩa là, đa phần nông dân nuôi tôm chỉ nhìn thấy những cái lợi ích ngay trước mắt, sau mỗi mùa vụ nuôi tôm chứ chưa xác định được những tác động tiêu cực của đầm tôm tới hệ sinh thái môi trường. Chính vì vậy, ý thức tự giác bảo vệ môi trường thường không được người dân thực hiện trước những lựa chọn về mặt sinh kế. Ngoài ra, những chế tài và quản lý của chính quyền địa phương cũng chưa thực sự nhất quán, đồng bộ và các hình thức xử phạt vi phạm đủ mạnh để răn đe những vi phạm. Vì thế, những cánh rừng ngập mặn và môi trường ven biển ở khu vực này vẫn ngày ngày bị các đầm tôm xâm lấn.
Có thể nói, ở bất cứ khu vực nào, việc phát triển tự phát, không tuân theo những quy hoạch nhất định cũng gây lên những xáo trộn tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển lâu dài, bền vững của những khu dân cư trong vùng. Điều này cũng xảy ra ở hầu hết những khu đầm nuôi tôm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi ngoài đầm tôm, nhà cửa và những công trình kiến trúc phụ trợ khác của nông dân cũng khiến môi trường tự nhiên nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó là tác nhân chính gây lên những mất cân bằng trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sống.  Ngoài ra, nó cũng phá vỡ những quy hoạch sẵn có của địa phương, tạo lên nhiều hệ lụy xấu về các vấn đề an sinh xã hội.
Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của những khu vực nuôi tôm tự phát này, việc hình thành những quy chế ứng phó, xử phạt đủ để răn đe những hành vi vi phạm cũng rất cần thiết. Nó chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, đất vùng ven biển và góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế của chính những người dân trong khu vực này.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1, TP HCM
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
Email:  viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com
Đoàn Đại Trí

Tin nổi bật