Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đôi tình nhân dùng sim rác lừa đảo 2,5 tỷ đồng

(DS&PL) -

Làm ăn thua lỗ dẫn đến vỡ nợ, Kê và Dân đã lên kế hoạch dùng sim rác đặt mua một lượng lớn nông sản rồi chiếm đoạt.

Làm ăn thua lỗ dẫn đến vỡ nợ, Kê và Dân đã lên kế hoạch dùng sim rác đặt mua một lượng lớn nông sản rồi chiếm đoạt.

Báo Vietnamnet dẫn nguồn tin từ Công an TP.Nam Định, đơn vị vừa tiến hành bắt khẩn cấp đôi tình nhân Lê Thị Kê (41 tuổi, thường trú tại xã Ea Dar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) và Trần Nhật Dân (48 tuổi, ngụ xóm 10, xã Trực Thanh, huyện Trực Ninh, Nam Định) để điều tra về hành vi Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đôi tình nhân tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo Người đưa tin

Theo báo An ninh thủ đô, tài liệu điều tra thể hiện, đầu tháng 7/2017, chị Hằng (47 tuổi, trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) nhận được cuộc điện thoại đặt mua 50 triệu đồng nông sản và đề nghị gửi ra kho hàng tại bến xe TP Nam Định. Đã quen với những đơn hàng qua điện thoại nên chị đã chuyển hàng và sớm nhận được 50 triệu đồng qua tài khoản.

Hơn 1 tuần sau, vị khách này lại liên lạc đặt mua nông sản với trị giá 250 triệu đồng, chị Hằng nhanh chóng gửi hàng. Tuy nhiên chờ mãi, vị khách vẫn không thanh toán tiền, khi gọi đến số máy đặt mua hàng thì không được. Biết mình bị lừa, chị Hằng đã làm đơn trình báo đến công an Nam Định.

Theo báo VOV, tiếp nhận trình báo, cơ quan điều tra đã vào cuộc truy tìm kẻ lừa đảo, ngày 22/8, Công an thành phố Nam Định đã bắt được Kê và Dân khi cả 2 đang lẩn trốn trong căn nhà thuê ở thôn Bằng Nga, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, vốn làm nghề buôn nông sản tuy nhiên do bị phá sản, vỡ nợ, nên trốn ra Hà Nội. Biết các chủ vựa mua nông sản thường giao dịch qua điện thoại nên cả hai đã dùng sim rác rồi đặt mua hàng, thanh toán đầy đủ lần đầu để tạo lòng tin, sau đó tiếp tục đặt mua hàng với khối lượng lớn hơn rồi vứt sim điện thoại, bỏ trốn.

Bằng thủ đoạn trên, cặp tình nhân đã lừa được 9 hộ kinh doanh nông sản khác cùng ở huyện Ea Kar với tổng số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật