Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, quy định “nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục” không quan trọng bằng quy định những việc họ được phép làm và những việc cấm làm.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến.
Đáng chú ý, bộ Tài chính đề xuất, người đi đòi nợ thuê phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Tuy nhiên, nội dung trên đang nhận được những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc nhân viên đi đòi nợ thuê mặc gì không quan trọng bằng việc quy định cụ thể hành vi được làm, siết chặt những vấn đề pháp lý để tránh hiện tượng giang hồ biến tướng, phạm pháp công khai.
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội cho rằng: “Việc dư luận quan tâm nội dung trên là rất đúng. Các cụ từ xưa đã có câu “manh áo không làm nên thầy tu”. Không phải nhân viên thu nợ cứ khoác lên người bộ đồng phục là họ sẽ làm tốt hơn”.
Theo Thượng tá Hùng: “Quan trọng nhất, những người làm công việc đi đòi nợ thuê phải có trình độ, tiêu chuẩn nhất định. Dịch vụ đòi nợ thuê rất nhạy cảm và liên quan tới các quyền cơ bản của con người như tính mạng, sức khỏe, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền bất khả xâm phạm về đời tư, về danh dự, phẩm giá con người…
Nếu như không quản lý tốt những người làm nghề đòi nợ thuê thì bao nhiêu nỗ lực của Nhà nước, của xã hội để đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, vấn đề nhân quyền… sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên, chuyện nhân viên thu nợ ăn mặc như thế nào cũng không quan trọng bằng việc họ phải hiểu đúng pháp luật và làm đúng pháp luật”.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, cần quy định rõ những việc nhân viên đòi nợ thuê được làm và cấm làm. (Ảnh minh họa). |
Vị Thượng tá từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra phá án nhấn mạnh: “Nhân viên thu nợ phải tôn trọng những quyền cơ bản của con người, của công dân và tôn trọng trật tự an toàn của xã hội. Bởi vì, trong quá trình đi đòi nợ thuê, nếu họ không tôn trọng các quyền cơ bản đó thì chính họ lại xâm phạm hoặc người bị đòi nợ có thể phản kháng lại, sẽ làm ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nêu quan điểm: “Người đòi nợ thuê phải đạt tiêu chuẩn nhất định về trình độ kiến thức, về tư cách đạo đức. Đặc biệt là những đối tượng có tiền án, tiền sự về các tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác hoặc từng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tuyệt đối không được làm nghề này.
Phải có cơ chế quản lý những nhân viên đòi nợ thuê về mặt tổ chức, quy định rõ việc được làm và không được làm, để siết chặt quản lý… nếu không thì sẽ là kẽ hở cho các ổ nhóm tội phạm hoạt động một cách hợp pháp, biến tướng”.
Nguyễn Hường/Người Đưa Tin