Insider đưa tin, trong lúc Iran vật lộn với lạm phát tăng vọt và tình trạng đói nghèo lan rộng, một số người lựa chọn các giải pháp tuyệt vọng để cố gắng thoát khỏi nợ nần, kể cả việc bán đi từng phần cơ thể.
Phóng viên của Insider đã xem hàng chục tin nhắn trên ứng dụng Telegram được dùng phổ biến ở Iran, với nội dung rao bán nhiều loại nội tạng. Nhiều người bán nội tạng cho biết nợ nần và nguy cơ phá sản khiến họ đưa ra quyết định khó khăn này.
Không giống các quốc gia khác, bán thận là hành động hợp pháp tại Iran nhưng có quy định quản lý các giao dịch bán thận. Ngoài thận, việc bán các bộ phận khác bị cấm tại quốc gia này.
Tuy nhiên, hàng trăm tin nhắn mà phóng viên tờ Insider đọc được dường như cho thấy một thị trường chợ đen trực tuyến đang bùng nổ, nơi người ta bán mọi thứ, từ gan đến tủy xương.
Màn chào hàng gây sốc nhất có lẽ là của một người đàn ông rao bán tinh hoàn. “Bán tinh hoàn, 25 tuổi, nhóm máu O+, tinh hoàn bên trái hay phải (không quan trọng), vì nợ nần nên bán”, người đàn ông viết.
Tương tự, một người đàn ông khác cũng rao bán tinh hoàn với đề nghị đến các thành phố lân cận để phẫu thuật cấy ghép với mức giá phù hợp.
Một số người Iran rao bán nội tạng của mình để trả nợ hoặc tránh phá sản khi đói nghèo lan rộng, lạm phát tăng vọt. Ảnh minh họa: Insider
Các tin nhắn rao bán bộ phận cơ thể xuất hiện trên 3 kênh Telegram riêng biệt và có chung định dạng: Cơ quan được rao bán, giới tính của người bán, nhóm máu người bán, giá đề xuất, địa điểm và tóm tắt ngắn gọn về tình trạng sức khỏe.
Một người đàn ông 33 tuổi tiết lộ mình đang rao bán tế bào gốc, tủy xương và giác mạc do “các vấn đề tài chính và phá sản”. Trong khi đó, một người 31 tuổi nói đang rao bán lá gan của mình với giá 900 triệu IRR (gần 500 triệu đồng).
Không rõ có bao nhiêu trong số những vụ mua bán hoặc cấy ghép nói trên đã được thực hiện. Trao đổi với Insider, Tiến sĩ Gabriel Danovitch tại Trường Y khoa David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles cho hay người ta không lấy giác mạc từ người sống. “Tôi không thể tin rằng người ta lại làm điều đó”, ông nói.
Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép đổi nội tạng để lấy tiền nhưng chỉ có thể là một quả thận. Việc này phải được thực hiện với sự phối hợp của một tổ chức chính phủ, có các giới hạn về mức bồi thường.
Tuy nghiên, một nghiên cứu năm 2022 trên Tạp chí Transplant International cho thấy, người bán và người hiến thường xuyên vi phạm quy định, chọn các giao dịch ngầm có khả năng sinh lợi cao hơn.
Việc bán thận bên ngoài Iran là hành vi bất hợp pháp vì điều này có thể dẫn đến nạn buôn bán nội tạng. Thậm chí, bán thận cho những người không phải người Iran ở Iran cũng không được phép.
Thế nhưng, Iran International thông tin, những người Iran gặp khó khăn đã đến Iraq để bán thận hoặc thông qua trung gian để tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích bán các bộ phận cơ thể khác.
Không rõ các tin nhắn bằng tiếng Farsi, ngôn ngữ của Iran, trên Telegram nhắm tới khách mua quốc tế hay người Iran.
Theo nhận định của Karmel Melamed, nhà báo người Mỹ gốc Iran, việc người Iran vi phạm quy định để bán thận không phải chuyện mới xảy ra. Bên cạnh đó, việc người dân bán các bộ phận nội tạng khác cũng không phải chuyện lạ.
Nhà báo này cho rằng, nền kinh tế dường như đang khiến việc buôn bán này trở nên phổ biến hơn. Phần lớn người dân không đủ khả năng mua thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm do nền kinh tế đang gặp khó khăn tại Iran, khiến một số người quyết định “bán nội tạng để nuôi sống bản thân và gia đình”.
Được biết, Iran là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Các dự báo kinh tế cho thấy siêu lạm phát sự xảy ra trong những tháng tới.
Đinh Kim (Theo Insider)