Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Độc đáo Tết của người Mường: Đồ vật được tẩy trần để ăn Tết

(DS&PL) -

Theo phong tục của người Mường, nhà ai có chiếc đuôi cá to nhất, người nào đi vác được nước nguồn về đầu tiên trong đêm Giao thừa thì năm ấy nhà đó ăn Tết to nhất.

Tết của bà con dân tộc Mường đến sớm hơn người Kinh 1 ngày. Theo phong tục, nhà ai có chiếc đuôi cá to nhất, người nào đi vác được nước nguồn về đầu tiên trong đêm Giao thừa thì năm ấy nhà đó ăn Tết to nhất, may mắn cả năm. Trong 3 ngày Tết, không chỉ con người không phải làm việc mà ngay cả đồ vật cũng được người Mường tẩy trần sạch sẽ, cho nghỉ ngơi.

Một số hình ảnh Tết độc đáo của người Mường. 

Lễ tẩy trần cho... cuốc xẻng

Một buổi chiều mùa xuân ấm áp, lộc non đua nở khắp hai bên đường, chúng tôi đã về thăm miền đất xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hòa Bình để tìm hiểu về những phong tục tập quán độc đáo của người dân tộc Mường. Tiếp chúng tôi là một vị cao niên, uy tín trong làng, ông Nguyễn Văn Thương (ở xóm Mỗ 2). Trong căn nhà sàn xinh xắn, chúng tôi rất ấn tượng với những vật dụng, đồ đạc mang bản sắc của người Mường. Đầu tiên phải kể đến những chiếc cồng, chiếc chiêng được gia chủ treo ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà.

Tiếp đến là những quả còn để chơi trong mỗi độ Tết đến xuân về. Quả còn còn có ý nghĩa như một quả cầu tình yêu, gắn kết đôi nam nữ đến với nhau qua những màn ném giao duyên tình tứ. Rồi đến những chiếc khèn, vô số đầu thú rừng, đuôi cá... chiến lợi phẩm trong những cuộc đi săn. Tất cả đều mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức của người Mường.

Sau ly rượu mời thấm đượm tình cảm mến khách, sự nồng hậu của gia chủ, chúng tôi như được hóa thân thành những chàng trai, cô gái Mường khoác trên mình bộ quần áo dân tộc, hoa văn sặc sỡ đi trẩy hội xuân khi chăm chú lắng nghe gia chủ kể chuyện về Tết của người Mường.

Theo lời kể của gia chủ, đối với người Mường, Tết Nguyên đán được coi là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Đặc biệt, người Mường đón Tết trước người Kinh 1 ngày. Không quá cầu kỳ với mâm cao, cỗ đầy... nhưng thờ cúng tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến, xuân về. Cũng vì lẽ đó, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa khó phai mờ đối với những người con đất Mường.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thương, để chuẩn bị cho một cái Tết thật trọn vẹn, chu toàn, bắt đầu từ 23, 24 (Âm lịch), trước khi mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, người Mường huy động tất cả các anh em, họ mạc trong gia đình, dòng họ (chủ yếu là nam giới: con trai, con rể, cháu trai) tựu về cùng đi sửa sang mồ mả ông bà. Đến ngày 27 tháng Chạp, chị em nô nức mang đồ đạc ra suối “tổng vệ sinh”. Ngay cả các nông cụ như: Cày, bừa, cuốc, xẻng cũng được rửa sạch sẽ để chúng cùng ăn Tết... Đây là hình thức tẩy trần, sạch sẽ để đồ vật và con người cùng đón năm mới, như thế mới gặp nhiều may mắn, an lành.

Thường vào ngày 28 Tết, các gia đình lại quây quần gói bánh chưng, bánh uôi. Những thứ bánh này thường gói lá và luộc trong những nồi lớn ninh hàng giờ. Tại những làng Mường, đàn bà phải giã bột, pha bột để làm bánh trong những ngày cuối năm và đảm nhiệm cả việc luộc bánh.

Khác với người Kinh cúng đồ mặn từ chiều 30 Tết thì người Mường chỉ cúng đồ chay. Mâm cỗ chay chiều 30 Tết sẽ có bánh chưng, bánh kẹo, thuốc lá với ý nghĩa “ăn chay cho sạch mồm sạch miệng, ăn bánh cho sạch ruột, sạch dạ” và trước khi mời các cụ, ông bà tổ tiên về ăn Tết, người Mường phải đánh 3 hồi chiêng để các cụ biết hôm nay là Tết.

Không chỉ cúng mời thổ công, thổ địa, tổ tiên về ăn Tết; người Mường còn khấn mời gia súc (trâu, bò...), các dụng cụ nông nghiệp (cày, bừa, cuốc, cối giã gạo... ) về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua.

Hôm sau, các gia đình mới bắt đầu cúng rượu thịt. Để thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu, mỗi gia đình ai có gì mang nấy như rượu thịt, đầu lợn, quần áo, giấy dép... hầu hết toàn đồ dùng thật đến nhà người con trưởng để cùng tổ tiên. Khi hết tuần hương, đồ ăn có thể hạ xuống cho con cháu cùng thụ lộc, còn đồ dùng chỉ cần hơ qua lửa là mọi người có thể mang về dùng.

Nhiều phong tục Tết độc đáo chỉ có ở đất Mường

Với giọng kể trầm ấm, xen lẫn sự vui tươi, ông Thương cho biết, cuối năm, gia đình nào cũng tất bật vệ sinh nhà cửa, cùng với đó, bất kể đồ vật gì trong nhà cũng phải được sửa sang như mới, kim phải tháo hết chỉ cũ, bồ gạo, hũ muối phải được đổ đầy, đèn dầu không được tắt, lửa trong bếp lúc nào cũng phải cháy để cho nhà cửa ấm cúng, may mắn cả năm.

Trước Tết vài ngày, những gia đình Mường sẽ giết một con vật lớn để cúng tổ tiên. Con vật cúng tổ tiên có thể là con vật săn bắn được nhưng thường người Mường làm thêm con lợn hoặc con trâu hay một số gà vịt thêm vào con vật săn được nếu con vật này nhỏ quá. Năm đó, gia đình nhà nào treo lên cái đuôi cá to nhất, có thủ lợn to nhất thể hiện gia đình năm đó ăn Tết to nhất, sung túc nhất.

Đêm Giao thừa, chuông sang canh điểm sang thời khắc của năm mới, gia đình nhà nào đến mó nước đầu tiên, vác được nước nguồn về thì năm đó sẽ may mắn, năm đấy sẽ được nhiều trâu bò, mùa màng bội thu. Nước này sẽ được đặt lên bàn thờ, sau đó đổ vào chum, vại dùng để rửa mặt, ăn uống.

Đặc biệt, trong mấy ngày Tết, sân, nhà và mọi người trong gia đình không được tắm gội, không được quét nhà; rác được để gọn vào một chiếc sọt trong nhà, tuyệt đối không vứt xuống sân, tránh tình trạng ma đói, ma khát đến ăn, mang đến xui xẻo cho gia chủ. Sau 3 ngày Tết, người Mường sẽ chọn một ngày động thổ, chọn ngày để quét sân, xay lúa hay chặt củi. 5 đến 7 ngày sau sẽ chọn ngày tốt để khai hạ.

Vì mấy ngày Tết không làm gì ngoài ăn cơm, uống rượu và đi du xuân nên người Mường thả rông gia súc như trâu bò trên rừng. Lúc này, nếu gia súc của nhà này ăn lúa ngô nhà khác thì họ cũng đều vui vẻ chấp nhận, không trách giận, bắt đền gì nhau.

Người Mường có tục lệ “Trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm”. Chính vì vậy, trong mấy ngày Tết, cứ đến nhà người Mường, dù no dù đói cũng phải ngồi vào mâm ăn cơm, uống chén rượu cùng gia chủ, như vậy mới thể hiện sự quý mến, tôn trọng nhau. Người Mường tâm niệm, khách càng say càng thể hiện quý gia chủ, gia chủ càng sung sướng.

Sáng mùng Một, thay vì mừng tuổi nhau thì người Mường cho lợn ăn, cho gà ăn với nguyện vọng no đủ, mình phải quan tâm, chăm sóc đến nó để nó nuôi sống mình, làm giàu cho mình. Trong 3 ngày Tết, các thành viên trong gia đình chọn cho mình bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, ăn bữa cơm sáng rồi đi chúc Tết các gia đình trong họ, trong Mường, bản. Người phụ nữ Mường trong ngày Tết thì không phải nấu cơm mà chỉ mặc váy đẹp đi chơi, cơm nước là do người đàn ông.

Dân làng tổ chức vui chơi các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh mảng, đánh khăng, bắn nỏ, kéo co, hát đối đáp... xen lẫn tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang càng làm không khí những ngày xuân sôi nổi, náo nhiệt. Những người con đất Mường cùng tấu lên những điệu nhạc, nói lời hay, ý đẹp, cầu chúc cho gia chủ sang năm mới ăn nên làm ra, mùa màng bội thu.

Nguyễn Thúy

Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số gộp: 7 số: Số 11+12+13+14 + Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

Tin nổi bật