Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Độc đáo phong tục tảo mộ dịp Tết Thanh minh của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng

(DS&PL) -

Đối với đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng Tết Thanh Minh không chỉ là dịp để tôn vinh và ghi nhớ những người đã khuất, mà còn là cơ hội để củng cố tình đoàn kết, sự đoàn tụ và tình yêu thương trong gia đình và cộng đồng.

Tết Thanh minh của người Tày, Nùng ở Cao Bằng còn được gọi với cái tên khác là Tết “so slam, bươn slam” tức mùng Ba tháng Ba (âm lịch) là một trong 3 ngày lễ quan trọng nhất trong năm.

Bà con nơi đây quan niệm, Tết Thanh minh là dịp để những người đã khuất như ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu.

Thế nên dù đang sinh sống, làm ăn ở muôn nơi, những người con của quê hương Cao Bằng đều sẽ sắp xếp công việc về tảo mộ trong ngày Tết Thanh minh để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên.

 

Mọi người, mọi nhà tấp nập đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ trên các sườn đồi, thung lũng...

Ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, các con, các cháu sẽ tập trung đông đủ rồi mang dao, cuốc, xẻng để có thể chặt cây, cỏ trên phần mộ của tổ tiên.

Các gia đình thường đến mộ từ sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ, xới những miếng đất to đẹp để đắp sửa lại những ngôi mộ.

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên thường có thịt gà, thịt lợn, hương, hoa quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu và một món không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (tiếng Tày, Nùng là xôi nếp đỏ, đen).

Đặc biệt, không thể thiếu những bó hương, nến, đèn dầu, vàng mã... sẽ được thắp lên mộ. Sau đó bà con mới kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên.

Xôi đăm đeng theo nghĩa thì có 2 màu, thế nhưng các gia đình thường làm thêm nhiều loại với nhiều màu sắc, thường gọi là xôi ngũ sắc, thường có các màu như: đỏ, xanh, đen, tím, vàng...

Ở Cao Bằng, phần lớn ngôi mộ của người Tày và Nùng được đặt trên đồi, núi xa nhà. Đó là lý do tại sao trong dịp Tết Thanh Minh, nhiều gia đình lại đến thăm và thụ lộc tại phần mộ của tổ tiên, cùng nhau ăn uống và quây quần.

Trong buổi tiệc, mọi người uống rượu và kể chuyện về những người đã khuất, nhắc nhở lẫn nhau phải cố gắng chăm chỉ lao động và học tập, để đền đáp công ơn của tổ tiên.

Lễ tảo mộ đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, tạo nên sự đậm đà bản sắc dân tộc ở miền đất địa đầu Tổ Quốc.

Thảo Ly

Tin nổi bật