Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nhân cần môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng để cống hiến vì sự phát triển của Đất nước

(DS&PL) -

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt đoàn đại biểu BCH Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu.

(ĐS&PL) Sáng ngày 17/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt đoàn đại biểu BCH Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu.

Cần môi trường kinh doanh minh bạch

Tại cuộc gặp mặt, các doanh nhân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân và nêu một số kiến nghị như mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục, dành cho doanh nghiệp tư nhân những việc mà doanh nghiệp có thể làm được.

Các doanh nghiệp khẳng định cam kết, nếu được tạo thuận lợi, kinh tế tư nhân có thể đóng góp tới 80% GDP chứ không chỉ 40% như hiện nay.

Quang cảnh buổi gặp

Các đại biểu đã nhắc lại khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, sự kiện rất quan trọng để củng cố niềm tin đối với doanh nhân. Theo các doanh nhân, niềm tin đã trở lại, các doanh nhân cùng chung tay, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Đồng thời, các đại biểu cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, có doanh nhân cho rằng, các từ khóa mà Thủ tướng nêu ra để phát triển khu vực kinh tế tư nhân: "Bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội" là những điều mà doanh nhân rất cần, nhất là “được bảo vệ”.

Doanh nhân cũng mong muốn Chính phủ tăng cường chống tham ô, lãng phí, tiêu cực tạo môi trường minh bạch, bình đẳng, công bằng giúp doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng sự nghiệp Đổi mới, Hội nhập và Phát triển của đất nước. 

Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng

Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng cho rằng, đây là một kênh thông tin quan trọng để “Chính phủ có chính sách tốt, sát cuộc sống, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất”.

Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước, như Nghị quyết 10 của Trung ương. Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh, có nhiều sản phẩm uy tín trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp; Ảnh: Chinhphu.vn

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, được Thủ tướng nhắc tại cuộc gặp là thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; làm thế nào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể bán sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp FDI cũng như với doanh nghiệp Nhà nước.

Song song, với kỳ vọng đó của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh liêm chính, quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, bền vững, có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, cam kết quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, “nói không với tham nhũng, tiêu cực”. 

Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý, doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng hơn nữa phát triển nội lực, năng lực cạnh tranh, trong đó có con người và công nghệ, kể cả việc xây dựng thương hiệu. Phối hợp trong ngành hàng của mình, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt tham gia một số chương trình, dự án sản phẩm của Nhà nước, FDI…

Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn Hội Doanh nhân tư nhân hoạt động thiết thực, năng động hơn, luôn mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, tránh việc chỉ đơn thuần là thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn, mang tính phong trào, bộ máy hành chính xơ cứng; Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung và Hội Doanh nhân tư nhân nói riêng cần “có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, đồng thời trong quá trình ấy, có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, kể cả giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới sáng tạo”.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã không chỉ dần được phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là sau Đại hội X (năm 2006), khi kinh tế tư nhân được xác định chính thức là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô. Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó có gần 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm.

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (năm 2020), hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (năm 2025) và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (năm 2030). Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đạt khoảng 50% GDP (năm 2020), khoảng 55% GDP (năm 2025) và 60 - 65% GDP (năm 2030).

Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365

Tin nổi bật