Theo báo Tiền Phong, Công ty cổ phần quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được một số thông báo tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán của doanh nghiệp vận tải gửi tới với mức tăng thêm từ 17-67%.
Lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình cho biết, lượt khách bình quân dịp Tết tăng khoảng 200% so với ngày thường. Dịp cao điểm, có thể tăng nhiều hơn. Do đó, lượt xe ra vào bến trong thời điểm Tết cũng vì thế tăng, chủ yếu ở các tuyến như Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… Trước nhu cầu người dân tăng cao, một số doanh nghiệp đã thông báo tăng giá vé. Điển hình như tuyến Hà Nội - Cao Bằng, các nhà xe tăng từ 60.000 đồng lên 100.000 đồng/vé/khách/chiều.
Doanh nghiệp vận tải tăng giá vé xe Tết 2024.
Đối với xe giường nằm tuyến Hà Nội - Cao Bằng, giá từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng, tăng 50% với xe giường nằm không phân phòng. Cùng tuyến này, với xe loại 22 giường có chia phòng, giá tăng từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng (tăng 17%).
Tại Bến xe Giáp Bát, cũng có 4 đơn vị thông báo tăng giá trên 5 tuyến dịp Tết. Cụ thể, Hợp tác xã vận tải Đồng Tâm chạy tuyến Hà Nội - Hà Nam và ngược lại đã tăng giá từ 50.000 đồng lên 80.000 đồng (tăng 60%). Với tuyến Hà Nội - Ninh Bình, tăng từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng (tăng 40%). Công ty TNHH TM&DVVT Anh Nguyên chạy tuyến Hà Nội - Nho Quan (Ninh Bình) cũng tăng giá vé từ 79.000 đồng lên 103.000 đồng (tương đương 30,4%).
Tại bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - cho biết đến thời điểm này chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán 2024. Để chuẩn bị phục vụ hoạt động đi lại của người dân dịp Tết, bến xe đã nhận thông báo của các nhà xe tăng cường khoảng 100 xe cho các tuyến có nhu cầu cao, với phương châm, không để ai phải ở lại bến xe vào ngày cuối cùng của năm.
Theo báo Công an nhân dân, không chỉ ở khu vực phía Bắc, tại phía Nam, nhiều nhà xe cũng đã nêu rõ quan điểm tăng giá vé dịp Tết.
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Bến xe miền Đông cho hay: Tết Nguyên đán, Bến xe Miền Đông dự kiến phục vụ trong 20 ngày (10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết. Cụ thể, từ ngày 21 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày Mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức từ ngày 31/1/2024 đến hết ngày 19/2/2024).
Tuy thời gian nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 8/2/2024 (tức 29 tháng Chạp) nhưng theo tập quán, người dân thường có nhu cầu về quê sum họp gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sớm hơn so với ngày nghỉ theo quy định. Do vậy, Bến xe Miền Đông dự báo lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng từ ngày 2/2/2024 đến ngày 7/2/2024 (tức 23 đến 28 tháng Chạp).
Trên cơ sở phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và tình hình hành khách đi lại hiện nay, Bến xe miền Đông dự báo sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 lượng xe tăng khoảng 10% và lượng khách tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Liên quan đến kế hoạch bán vé và giá vé phục vụ hành khách, đến nay Bến xe miền Đông đã tiếp nhận 13/75 đơn vị kê khai tăng giá cước.
Cụ thể, các tuyến thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai điều chỉnh giá cước tăng không quá 40% từ ngày 26/1/2024 đến hết ngày 28/1/2024 (tức 16 đến 18 tháng Chạp); điều chỉnh giá cước tăng không quá 60% từ ngày 29/1/2024 đến ngày 12/2/2024 (tức 19 tháng Chạp đến Mùng 3 Tết).
Với các tuyến thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông điều chỉnh giá cước không quá 40% từ ngày 29/1/2024 đến hết ngày 1/2/2024 (tức 19 đến 22 tháng Chạp); và điều chỉnh giá cước không quá 60% từ ngày 2/2/2024 đến ngày 13/2/2024 (tức 23 tháng Chạp đến Mùng 4 Tết).
Đối với các tuyến thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh giá cước không quá 40% từ ngày 4/2/2024 đến hết ngày 15/2/2024 (tức 25 tháng Chạp đến mùng 6 Tết).
Vân Anh (T/h)