Mới đây, cục thuế TP.HCM vừa nhận được văn bản của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) về việc xin bỏ cọc trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3-9 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những doanh nghiệp đấu giá lô đất Thủ Thiêm chưa đóng 50% tiền sử dụng đất theo quy định. Ảnh: Viettimes
Lý do là vì tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên không đủ vốn để đầu tư vào lô đất đã trúng đấu giá. Động thái này đồng nghĩa với việc Công ty Bình Minh sẽ bỏ cọc khoản tiền 140 tỷ đồng đã nộp đặt cọc cho lô đất này trước khi thực hiện đấu giá.
Như vậy, sau khi Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bỏ cọc thì Công ty Bình Minh là doanh nghiệp thứ 2 cũng xin thôi mua đất Thủ Thiêm và chấp nhận bỏ tiền cọc.
Tổng số tiền cọc mà hai đơn vị này đã nộp khi tham gia đấu giá là hơn 728 tỷ đồng. Trong đó, tiền cọc Công ty Bình Minh đã đặt là 140 tỷ đồng và tiền cọc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đã đặt là hơn 588 tỷ đồng.
Việc 2 doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất vàng Thủ Thiêm khiến dư luận không khỏi "tò mò" về động thái của các "tay chơi" còn lại.
Được biết, Công ty Dream Republic đấu giá lô đất 3-5 với mức 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm là 578 tỷ đồng và đã đặt cọc 115,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sẽ phải đóng 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 với mức đấu giá là 4.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với giá khởi điểm và đặt cọc 203,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Liên quan đến sự việc này, ngày 8/2, lãnh đạo cục Thuế TP.HCM cho biết, tính đến chiều cùng ngày, các công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vào ngày 10/12/2021 đã hết thời hạn nộp tiền đợt 1, nhưng vẫn chưa công ty nào nộp.
Theo tìm hiểu, Dream Republic được thành lập tháng 10/2017, trụ sở tại VVA Tower (277-279 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM). Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Mộng Linh.
Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Các cổ đông gồm: bà Trần Thị Mộng Linh (40%), ông Đặng Minh Thắng (30%), Trương Ích Quốc (30%).
Ngoài Dream Republic, bà Linh còn đại diện cho Công ty TNHH Speed Pro - công ty con của Dream Republic, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Về doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-8, công ty Sheen Mega được thành lập vào tháng 11/2019, trụ sở tại 32 Lê Lợi (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thị Huyền.
Thời điểm thành lập, Sheen Mega có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó, bà Nguyễn Thị Huyền sở hữu 65%, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nắm giữ 25% vốn và bà Đặng Thị Hồng Hạnh 10%.
Trước đó, ngày 6/1, cục Thuế TP.HCM đã ban hành 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ghi rõ thời hạn thanh toán đợt 1 là 30 ngày với số tiền thanh toán đủ 50% giá trị trúng đấu giá và phí trước bạ.
Theo quy định, trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo trên, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.
Đến hết ngày 7/2, các công ty này phải nộp tiền đợt 1 vào Kho bạc Nhà nước. Nếu quá thời hạn chưa thanh toán thì sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày.
Nếu sau 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế (tính từ ngày 6/1) mà đơn vị trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán.
Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáosở TN&MT trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Đồng thời, công ty trúng đấu giá sẽ mất 20% tiền cọc đã nộp.
Số tiền cọc 20% của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá nộp, đã được tính vào số thu của ngân sách năm 2021.
Bạch Hiền (t/h)