Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá gây nứt nhà dân

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chứng kiến cơ ngơi của mình bị nứt toác ra từng ngày, người dân ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) hết sức hoang mang, lo lắng.

(ĐSPL) - Nhiều năm sống quen với tiếng nổ mìn của doanh nghiệp khai thác mỏ đá và chứng kiến cơ ngơi của mình bị nứt toác ra từng ngày, người dân ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) hết sức lo lắng. 

Nhiều tháng trở lại đây, người dân ở các thôn Xuân Lộc, Quảng Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) sống trong hoang mang và lo lắng vì doanh nghiệp nổ mìn phá đá ngay sát khu dân cư, khiến hàng chục ngôi nhà của 2 thôn này bị nứt toác cả tường, nền nhà; nguy cơ nhà sập hiện hữu từng ngày. 

Ông Trần Văn Bình (63 tuổi), trú tại thôn Xuân Lộc bức xúc: “Hơn hai năm nay, Công ty Tân Việt Bắc liên tục cho công nhân nổ mìn khai thác đá tại địa phương. Do khai thác âm dưới đất đã gây ra chấn động lớn, hàng chục ngôi nhà của bà con trong thôn đều bị rạn nứt nhiều chỗ khiến ai cũng lo sợ”.


Nhà dân xuất hiện những vết nứt do chấn động lớn của việc nổ mìn khai thác đá.

Cách nhà ông Bình không xa là ngôi nhà của ông Đặng Quang (51 tuổi). Người này cũng chung quan điểm: “Nhà tôi cách khu mỏ hơn 1km, thế nhưng vẫn bị nứt toác do rung chấn từ các vụ nổ mìn. Chứng kiến căn nhà ngày càng bị nứt rộng thêm sau mỗi lần doanh nghiệp nổ mìn khai thác, gia đình chúng tôi lo lắm”. 

Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Bình, ông Quang, nhiều hộ dân nơi đây cũng phản ánh tình trạng công ty này ngang nhiên cho nổ mìn với công suất phát ra tiếng nổ cực lớn gây nứt nhà dân.

Bức xúc trước sự việc, người dân đã làm đơn gửi lên UBND xã và phản ánh qua nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lí, hỗ trợ giải quyết.

Không chỉ gây hư hỏng nhà cửa, hoạt động khai thác mìn còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Do áp lực nổ lớn, đất đá văng tung khắp mặt ruộng khiến những cánh đồng lúa xung quanh không thể canh tác được. Trước tình hình đó, phía công ty khai thác cũng đã hỗ trợ bà con chuyển đổi canh tác sang trồng ngô. Theo đó, các hộ dân sẽ được hỗ trợ giống để tái sản xuất trên diện tích đất này.

Mỏ đá âm của Cty Tân Việt Bắc khai thác cách nhà dân chỉ một con sông nhỏ khoảng chừng 500m.

Được biết, Công ty Tân Việt Bắc được Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm thuê khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm. Thời gian nổ mìn khai thác được bắt đầu từ ngày 7/3/2013. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tháng tiến hành nổ mìn khai thác, người dân sống gần khu vực mỏ đá đã phát hiện tình trạng tường nhà của mình bị nứt nẻ nên báo lên chính quyền địa phương. 

Cũng theo nhiều người dân, sau khi gửi đơn kiến nghị, đại diện công ty khai thác mỏ, chính quyền địa phương cùng lãnh đạo UBND huyện đã cử đoàn thanh tra về làm việc. Sau đó, phía chính quyền cùng đại diện đơn vị khai thác về đo đạc, nghiên cứu song đến nay chưa thấy động thái gì. 

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết: “Việc doanh nghệp khai thác mỏ đá cho nổ mìn gây nứt nhà của bà con, chúng tôi đã nhận được phản ánh từ hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, chưa thể xác định nhà nứt là do tự nhiên hay do hoạt động khai thác đá.

Giữa năm 2015 và tháng 10/2016, xã cũng đã kiến nghị lên UBND huyện để tiến hành đo đạc, xác định mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác. Thế nhưng, đến nay sự việc chưa được giải quyết, người dân phải sống trong sợ hãi”.

Vị này thông tin thêm, trước đó, xã cũng đã có văn bản gửi lên huyện để đề nghị nhà máy xi măng Đồng Lâm tiến hành nổ mìn theo đúng quy định của giấy phép của UBND tỉnh cấp, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của bà con nhân dân về lâu dài.

Điều 103 Luật Bảo vệ môi trường 2014 về quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ quy định:

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. 

PHI HOÀNG - ĐÌNH TUẤN

Xem thêm video:

[mecloud]zXldoDlOvL[/mecloud]

Tin nổi bật