Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp du lịch “vượt khó” mùa dịch

(DS&PL) -

Dịch bệnh do virus Corona là một “cú sốc” với ngành du lịch Việt Nam. Bằng nhiều nỗ lực để vực dậy ngành du lịch và đảm bảo an toàn cho du khách, các doanh nghiệp....

Dịch bệnh do virus Corona là một “cú sốc” với ngành du lịch Việt Nam. Bằng nhiều nỗ lực để vực dậy ngành du lịch và đảm bảo an toàn cho du khách, các doanh nghiệp du lịch đang tìm kế vượt bão ngay trong tâm bão corona với nhiều “kịch bản”.

Cơ hội tăng “đề kháng” mỗi khi thị trường “hắt hơi”

Dịch Covid-19 do virus Corona gây ra bùng phát hơn 1 tháng, nhưng đã kịp gây thiệt hại nặng nề đến ngành du lịch vốn đóng góp trực tiếp 9,2% vào tổng GDP cả nước. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD.

Hàng loạt “kịch bản” vực dậy hoạt động của ngành công nghiệp không khói đã và đang được ngành và các doanh nghiệp triển khai, trong đó, gây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho Việt Nam chính là giải pháp đầu tiên được chọn lựa.

Du lịch nội địa được xem là giải pháp cứu cánh  cho ngành du lịch trong thời điểm này (ảnh du khách Hà Nội đi du lịch Phú Quốc trong mùa dịch)

Theo ông Ngô Hoài Chung, Tổng cục Du lịch đang tích cực triển khai công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. “Ngay trước mắt, chúng tôi tiến hành xây dựng các tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn và thông qua hệ thống truyền thông, chúng tôi đưa thông điệp du lịch Việt Nam an toàn ra với thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc an toàn của khách du lịch– ông Chung cho biết.

Tổng cục Du lịch cũng đã kí kết với Vietnam Airlines, Bamboo Airway, VietJetAir trong việc hỗ trợ khách du lịch giảm thiểu thiệt hại trong quá trình thay đổi hoặc hủy chuyến bay.

Dung dịch sát khuẩn tay khô được đặt ở nhiều vị trí ở Sun World Halong Complex

Sun Group, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cũng đã lập tức triển khai các giải pháp ứng phó ngay khi nắm bắt thông tin về dịch bệnh. Từ trước Tết Nguyên đán, các tổ hợp vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng của Tập đoàn này đã chủ động cập nhật thông tin phòng dịch bệnh tới khách hàng, tổng vệ sinh các cơ sở kinh doanh và xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Loa và biển bảng thông báo đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, thiết thực theo khuyến nghị của Bộ Y tế được phát và dán khắp các khu du lịch. Các Sun World của Tập đoàn này cũng đã đặt hàng nghìn chai dung dịch sát khuẩn tại các vị trí công cộng, nhà vệ sinh, quầy dịch vụ… phục vụ CBNV và du khách.

Thậm chí, tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tập đoàn này đã triển khai quy trình đưa đón khách chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể nói lần đầu tiên có tại các sân bay Việt Nam. Một số khách sạn, resort của Sun Group như Premier Village Danang Resort, Mercure Danang French Village Ba Na Hills, Novotel Danang Premier Han River... còn mời bác sĩ, chuyên gia y tế đào tạo cấp tốc về các biện pháp giữ vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh. 

Hotline và thông báo phòng chống dịch viêm phổi cấp được dán tại nhiều vị trí ở sân bay Vân Đồn.

Đại diện Sun Group cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có thể khẳng định, hệ thống các điểm đến du lịch do Sun Group xây dựng, quản lý đều đang là những điểm đến an toàn, với các biện pháp phòng ngừa dịch được thực hiện tích cực nhất.

Viettravel đang triển khai đề án “I am safe”, nhằm truyền đi thông điệp “chúng tôi an toàn” để mời gọi đông đảo bạn bè quốc tế đến Việt Nam du lịch. Bên cạnh đó, Viettravel cũng đang cùng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, hàng không xây dựng và tổ chức các tour kích cầu giảm giá từ 30% trở lên.

Saigontourist cũng đã lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gây viêm phổi cấp và ban hành các giải pháp ứng phó. AZA Travel tặng khách đi tour khẩu trang đạt chuẩn phòng dịch và dung dịch rửa tay. Các bữa ăn trong tour được bổ sung thực phẩm tăng sức đề kháng…

Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp “vượt bão”

Khủng hoảng từ dịch bệnh được coi như là phép thử cho khả năng chống chịu của ngành du lịch đối với các cú sốc từ bên ngoài. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng khó khăn vì dịch Covid-19 chính là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nào đó quá lớn, đồng thời đẩy mạnh kích cầu, tăng cường liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch, giữa trung ương - địa phương và liên kết công - tư…

Nhân viên tại Bà Nà Hills phát khẩu trang miễn phí và hướng dẫn du khách đeo khẩu trang đúng cách.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp, ngành du lịch cần được sự  “tiếp sức" mạnh mẽ và quyết liệt từ Chính phủ ngay thời điểm này để vượt qua bão ngay trong tâm bão. Cụ thể, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) mới đây vừa gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bản kiến nghị với một loạt đề xuất để "cứu" ngành du lịch, trong đó đề nghị Chính phủ cho phép giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của Q4, 2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho nnăm 2019…

Các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến giải, đề xuất Chính phủ và các địa phương cân nhắc có các biện pháp kịp thời để ngành du lịch có thể phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh. Đại diện Sun Group cho biết, giai đoạn này, các doanh nghiệp rất cần Chính phủ và các địa phương triển khai mạnh mẽ các chiến dịch truyền thông chủ động đến các thị trường tiềm năng và ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, truyền tải thông điệp tích cực: “VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN AN TOÀN”; nhấn mạnh vào các điểm đến đẹp và an toàn của nước ta với đặc thù khi hậu ấm nắng quanh năm. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có việc tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt là các dự án, sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nhằm thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền, từ đó tăng cường doanh thu du lịch, bù đắp lại thiệt hại do Covid-19 gây ra…

Tiến hành phun khử trùng tại sân bay Vân Đồn2.

Tuy nhiên, trước khi có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành du lịch và mỗi doanh nghiệp cũng đã tự hành động để cứu mình và “hâm nóng” hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp cho biết họ đang đẩy mạnh tập trung khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện như Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN… Bên cạnh đó, các thị trường lớn, tiềm năng như Australia, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Châu Âu cũng tiếp tục được khai thác. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập liên minh kích cầu du lịch khắc phục hậu quả của dịch COVID-19. Trước mắt, Hiệp hội sẽ chọn 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai triển khai. Chương trình kích cầu dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần này.

Bị ảnh hưởng nặng nhất, ước tính có thể thiệt hại lên tới hàng tỉ USD do tác động của dịch viêm phổi cấp Covid-19, nhưng với những bước đi chủ động, có thể thấy rằng triển vọng “hồi sức” của ngành du lịch đã được nhen nhóm ngay từ “tâm bão”.

Thu Hà

Tin nổi bật