Lùm xùm sai phạm
Hai tháng trở lại đây quả thực là khoảng thời gian đen tối khó quên đối với các doanh nghiệp BOT giao thông. Liên tiếp những “làn sóng” phản đối từ phía người dân, nguyên nhân phần lớn đến từ việc mức thu phí qua trạm quá cao, vị trí đặt trạm bất hợp lý... Phương thức phản đối bằng cách dùng tiền lẻ mệnh giá 200 – 2.000 đồng để trả phí tại trạm thu phí được cánh tài xế áp dụng triệt để từ Bắc vô Nam, từ trạm Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), trạm thu phí tuyến tránh TP.Biên Hòa trên Quốc lộ 1 (Đồng Nai) đến trạm BOT Bờ Đậu (Thái Nguyên) và cả trạm thu phí Quốc lộ 5 (Hưng Yên). Để tháo nút thắt, các chủ đầu tư buộc phải xả trạm trong nhiều ngày.
Nối tiếp những sự việc mâu thuẫn với người dân còn chưa được giải quyết triệt để, doanh nghiệp BOT giao thông mới đây lại phải nhận những án phạt tương đối khủng từ Thanh tra Chính phủ. Theo đó, nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện qua quá trình thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện đầu tư theo hình thức BT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP.HCM.
Cụ thể, 6 dự án bị chỉ tên gồm: Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội; dự án cầu Bình Triệu 2 và dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Thanh tra Chính phủ sau đó đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP.HCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỷ đồng. Trong đó phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỷ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng. Giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90 tỷ đồng, loại khỏi phương án tài chính đối với cầu Bình Triệu 2 gần 50 tỷ đồng; giảm giá trị quyết toán dự án 497 tỷ đồng...
Cổ phiếu đỏ sàn
Dự án xa lộ Hà Nội dính sai phạm khiến cổ phiếu CII đỏ điểm. |
Thị trường chứng khoán tuần đầu tháng Chín ghi nhận đà giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng với nhiều thành viên quay đầu giảm giá. Trong đó, đáng chú ý là biến động giá cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM.
Trong 6 dự án BOT dính sai phạm nói trên có tới 2 dự án do CII làm chủ đầu tư khiến không ít nhà đầu tư hoang mang trước quyết định rót tiền vào mã này. Hai dự án của CII được nhắc tới ở đây là dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội sai sót trong phê duyệt 1.410 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư; dự án cầu Bình Triệu 2 bị phát hiện 50 tỷ đồng ứng trước vốn ngoài hợp đồng và 13,7 tỷ đồng thu phí vượt kế hoạch tài chính.
Theo khẳng định của lãnh đạo CII, công ty sẽ chỉ phải hoàn trả 13,7 tỷ đồng thu phí vượt kế hoạch như đề cập trên đây. Số tiền còn lại liên quan đến sai sót về thủ tục hành chính và hiện đã được điều chỉnh. Tuy vậy, điều này vẫn không thể giúp cổ phiếu CII thoát khỏi đà giảm suốt 1 tháng qua. Sau những biến động trong ngành BOT giao thông, cổ phiếu CII từ vùng giá 36.000 đồng/CP đã rơi xuống giao dịch quanh mức 32.000 đồng/CP.
Cũng có tên trong “danh sách đen” mà Thanh tra Chính phủ mới công bố là dự án BOT Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu do công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1 làm chủ đầu tư. Tình hình tại đây cũng không khá khẩm hơn. Cổ phiếu HT1 của doanh nghiệp này hiện đang giao dịch quanh mức 15.000 – 16.500 đồng/CP, giảm khoảng 31% so với vùng giá 22.000 đồng/CP mà mã này đạt được hồi giữa tháng Bảy.
“Đồng màu đồng sắc” với mã CII và HT1, cổ phiếu CTI của CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (đơn vị đang nắm quyền quản lý trạm BOT Biên Hòa) đang từ vùng giá 32.000 đồng/CP hồi đầu tháng Tám tới thời điểm này cũng chỉ còn dao động quanh mức 28.500 - 29.000 đồng/CP, giảm 11%.
Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 38