Công an TP Huế đang điều tra làm rõ vụ kẻ gian lợi dụng đêm khuya, đập vỡ kính hàng loạt ô tô của người dân để lấy trộm tài sản.
Ngày 13/7, trao đổi với PV báo Tri thức trực tuyến, thượng tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an phường Phước Vĩnh (TP Huế, Thừa Thiên - Huế), xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ hàng loạt ôtô bị kẻ gian đập vỡ kính để lấy trộm tài sản trong đêm.
Tổng cộng có 4 ôtô bị kẻ xấu đập vỡ kính, trong đó 2 chiếc ở đường Ấu Triệu, 2 chiếc còn lại ở đường Phan Chu Trinh.
Ô tô bị kẻ xấu đập vỡ kính phụ đằng sau. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Theo báo Tuổi trẻ, khoảng 2h cùng ngày, chị Nguyễn Thị M.H. và anh Nguyễn Ngọc L. (cùng ở phường Phước Vĩnh) phát hiện ô tô đỗ bên đường Phan Chu Trinh đã bị kẻ gian đập vỡ cửa kính trước lấy đi nhiều tài sản có giá trị. Chị H. bị trộm 2 túi xách, tiền USD, bằng lái xe cùng một số tài sản cất trong ô tô.
Cùng thời điểm, 2 ô tô của anh Nguyễn Văn Th. (trú phường Trường An, TP Huế) và anh Dương Viết H. (trú phường Phước Vĩnh) đỗ trên đường Trần Phú (phường Phước Vĩnh) cũng bị kẻ gian phá cửa trộm tài sản.
Ngay sau đó, các nạn nhân đã làm đơn trình báo Công an phường Phước Vĩnh và Công an TP Huế.
Báo Thừa Thiên - Huế dẫn lời Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó Trưởng Công an TP. Huế cho hay, trước các vụ việc trên, đơn vị đang chỉ đạo lực lượng hình sự vào cuộc điều tra làm rõ, đồng thời khuyến cáo người dân không nên để tài sản trong xe ôtô, nhất là những xe đỗ ngoài đường vào ban đêm không có người trông giữ.
Được biết, trước đó, tối 9/7, chị V.T.H.O (trú đường Lê Ngô Cát, TP. Huế) cũng bị kẻ trộm đập phá cửa kính xe ôtô BKS: 75A-080.62 trộm 100USD, 2 triệu đồng và giấy tờ xe ôtô cùng một số giấy tờ khác.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)