Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điều tra vụ cha vợ trộm hơn 1 tỷ đồng trong két sắt của con rể

(DS&PL) -

Được vợ chồng con gái nhờ trông nhà giúp, ông Nhứt đã mở két sắt trộm khoảng 1 tỷ đồng rồi gửi tại nhà người thân...

Được vợ chồng con gái nhờ trông nhà giúp, ông Nhứt đã mở két sắt trộm khoảng 1 tỷ đồng rồi gửi tại nhà người thân...

Báo Công an nhân dân đăng tải thông tin, chiều 13/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc (An Giang) đã bắt giữ Nguyễn Văn Nhứt (52 tuổi, ngụ phường Châu Phú B, TP Châu Đốc) để điều tra làm rõ về hành vi Trộm cắp tài sản.

Theo báo Thanh Niên, trước đó, ngày 10/6, anh Trần Thanh Dũng (37 tuổi, ngụ P.Châu Phú A), con rể ông Nhứt, có công việc đi vắng nên nhờ ông Nhứt trông nhà giúp.

Ngày 11/6, anh Dũng nhận lại nhà, khi kiểm tra lại phòng ngủ thì phát hiện tài sản cất trong két sắt gồm 8,5 lượng vàng 24K, 12,5 lượng vàng 18K, 2 nhẫn bạch kim có gắn hột xoàn trị giá 210 triệu đồng, 1 sợi dây chuyền bạch kim trị giá 65 triệu đồng và 229,6 triệu đồng bị mất trộm nên báo công an. Tổng giá trị tài sản bị trộm khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Cha vợ phá két, trộm hơn 1 tỷ đồng trong két sắt của con rể - Ảnh minh họa

Qua khám nghiệm điều tra hiện trường, Công an TP.Châu Đốc đã xác định ông Nhứt là nghi phạm trộm tiền của con rể nên mời lên làm việc.

Qua đấu tranh khai thác, ông Nhứt thừa nhận chính ông lấy trộm tài sản trên đem gửi cho chị ruột là bà N.T.Đ (cùng ngụ P.Châu Phú B) nhờ cất giữ.

Công an TP.Châu Đốc đã thu hồi số tang vật bị trộm. Và do tính chất vụ án nên Công an TP.Châu Đốc đã chuyển giao hồ sơ gồm nghi phạm, tang vật cho Công an tỉnh thụ lý.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b)  Có tính chất chuyên nghiệp;

c)  Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g)  Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật