Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điều tra vụ bà lão 80 tuổi trình báo bị lừa đảo 6,6 tỷ đồng

(DS&PL) -

Sau khi bị 2 người xưng là công an thông báo mình liên quan đến đường dây rửa tiền và yêu cầu chuyển số tiền hơn 6 tỷ để công an kiểm tra...

Sau khi bị 2 người xưng là công an thông báo mình liên quan đến đường dây rửa tiền và yêu cầu chuyển số tiền hơn 6 tỷ để công an kiểm tra, bà Trân đã ra ngân hàng chuyển tiền cho các đối tượng.

Theo báo Công an TP. Hồ Chi Minh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đang điều tra đơn trình báo của bà Nguyễn Nam Trân (80 tuổi, ngụ đường Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) tố giác bị các đối tượng giả danh Công an Hà Nội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 6,6 tỷ đồng.

Báo Tri thức trực tuyến thông tin, trước đó vào chiều 19/10/2016, bà Trân ở nhà thì nhận được điện thoại từ một phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài VNPT. Người trong điện thoại nói bà đăng ký sử dụng thuê bao cố định tại Hà Nội, đang thiếu số tiền cước là 893.000 đồng.

Sau khi cung cấp các thông tin cá nhân, bà Trân được chuyển máy gặp người đàn ông xưng là thiếu úy Trần Quốc Tuấn, cán bộ Công an Hà Nội.

Qua điện thoại, người đàn ông nói bà Trân liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền rất phức tạp. Người này hướng dẫn bà bấm số 04.3896... để báo án.

Các băng nhóm tội phạm lừa đảo từng bị Công an TP.HCM bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Sau khi bấm số điện thoại trên, bà Trân gặp một người xưng là trung tá Nguyễn Văn Nhật, cán bộ Công an Hà Nội. Người này nói bà đang có 2 tài khoản ngân hàng tại Hà Nội, trong đó một lượng tiền lớn đang bị khóa để theo dõi.

Người đầu dây yêu cầu bà Trân cung cấp thông tin về tài sản hiện có. Bà lão 80 tuổi đã tiết lộ có hơn 6 tỷ đang gửi tiết kiệm.

Người xưng tên Nhật yêu cầu bà Trân chuyển hết số tiền trên vào các tài khoản do cơ quan điều tra cung cấp để kiểm tra và sẽ trả lại sau 2 giờ.

Sợ dính líu đến pháp luật, ngày 19-21/10/2016, bà lão đến ngân hàng chuyển tổng cộng 6,6 tỷ đồng vào hơn 40 tài khoản do Nhật cung cấp.

Cơ quan điều tra xác minh bà Trân đã chuyển tiền vào 10 tài khoản ngân hàng BIDV, 11 tài khoản ngân hàng Vietcombank, 11 tài khoản ngân hàng Sacombank, 4 tài khoản ngân hàng Agribank, 4 tài khoản ngân hàng Techcombank, 2 tài khoản ngân hàng Vietinbank.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 
a) Có tổ chức; 
b) Có tính chất chuyên nghiệp; 
c) Tái phạm nguy hiểm; 
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)


Tin nổi bật