Phóng viên báo Người Đưa Tin đã vào cuộc và vén bức màn "quyền lực ngầm" về việc bán và mua máu. Mỗi lần bán máu, sinh viên sẽ được “cò” máu trả từ 200 - 300 nghìn đồng. Việc “bỏ tiền – mua máu” đang diễn ra hàng ngày tại cổng một số bệnh viện lớn. Thậm chí, có những sinh viên một tháng có thể bán máu vài lần khi chỉ cần để lại số điện thoại và chờ chuông, đội “cò” máu có thể alo bất kỳ lúc nào.
“Cò” máu đại náo “hút” tiền bệnh nhân giữa thanh thiên bạch nhật ở bệnh viện Việt Đức LTS: “Chợ máu” tại cổng bệnh viện Việt Đức nhiều năm nay vẫn buôn bán sôi động. Khi người nhà bệnh nhân cần máu “trả” cho bệnh viện thì “cò” máu sẽ lập tức xuất hiện, cần bao nhiêu máu cũng có. Để bóc mẽ các chiêu thức “hút” tiền bệnh nhân, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã thâm nhập, điều tra tiếp cận được rất nhiều “cò” máu tại cổng bệnh viện Việt Đức và giật mình phát hiện ra quy trình khép kín trong giao dịch mua-bán công khai này. Bức màn bí mật sẽ dần được phơi bày... |
Vén bức màn bí mật từ một người chuyên bán máu
Phải rất khó khăn, chúng tôi mới thuyết phục được Quân (Sinh viên năm 3 một trường đại học tại Hà Nội) kể về “hành trình” đi bán máu của mình. Quân khá gầy, người nhỏ thó nhưng lại có một sức khỏe dẻo dai. Chính vì thế, 3 năm nay, Quân thường đều đặn tới một vài cổng bệnh viện lớn tại Hà Nội đến bán máu, lấy tiền trang trải cuộc sống.
Quân kể rằng, Quân cũng được một người bạn giới thiệu đi bán máu lấy tiền. Ngày đầu đến cổng viện Việt Đức, Quân rất run và sợ. Nhưng thấy Quân khúm núm đứng một xó, tay xách chiếc ba lô rách nên “cò” máu đã chủ động tiếp cận Quân.
Thấy chàng sinh viên đang cần tiền, “cò” nhiệt tình tư vấn cho cậu cách bán máu và bồi dưỡng sức khỏe như thế nào để lần sau lại tiếp tục đi bán được máu, vẫn đảm bảo sức khỏe. “Ngày ấy, tôi cứ đến cổng viện Việt Đức, Bạch Mai… là có người hỏi liền. Khi tín hiệu được bật, “cò” sẽ lấy số điện thoại của người bán rồi chủ động liên lạc lại. Việc mua bán diễn ra vô cùng khép kín và nhanh chóng”, Quân chia sẻ.
Nói đến đây, Quân bật mí rằng, “cò” máu bây giờ hoạt động tinh vi hơn trước rất nhiều. Họ có sự cảnh giác cao độ, vì thế, có người còn bắt xuất trình chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên thì mới dẫn… đi bán máu.
Khi chúng thôi thắc mắc về quy trình bán máu thì Quân ậm ừ: “Thực ra cái này rất khó nói, họ chỉ bảo là người nhà đang cần gấp để bệnh nhân mổ, nên sẽ dẫn những người bán máu đến bệnh viện trước ngày mổ của bệnh nhân và làm các xét nghiệm. Việc mua bán này diễn ra rất nhanh và hiếm khi chúng tôi hiểu được về quy trình khép kín mà “cò” máu vẫn thường xuyên nói chuyện với nhau”.
Sinh viên (PV) đi bán máu và được hướng dẫn ngay trong khuôn viên bệnh viện Việt Đức. |
Theo chia sẻ của Quân, mỗi lần bán máu Quân chỉ nhận được từ 200 - 300 nghìn đồng/đơn vị máu. Có lần, đánh liều cất tiếng thắc mắc vì sao máu bán lại rẻ như vậy? ngay lập tức, Quân bị “cò” hắng giọng: “Không bán thì thôi, giờ người bán nhiều hơn người mua nên đừng có mặc cả. Nói nhiều, lần sau không gọi nữa”.
Vì miễn mặc cả nên nhiều năm nay, Quân cùng một số người bạn của mình chỉ biết tuân theo những quy định và giá chung mà “cò” máu đặt ra. Có lần, vì sức khỏe không đảm bảo nhưng đang cần tiền nên Quân bất chấp tìm đến đội “cò” để kiếm tiền. “Cò” máu chỉ cần có khách, có người bán thì không quan tâm đến mọi việc xung quanh.
Xong xuôi một “phi vụ”, đội quân “cò máu” ra một quán trà đá tại cổng viện cười nói rôm rả với nhau. Còn bệnh nhân mất bao tiền, người bán máu mất bao nhiêu máu họ dửng dưng và vô cảm.
Phóng viên nhập vai đối mặt "cò" máu
Được sự hướng dẫn nhiệt tình của Quân, chúng tôi nhập vai thành những sinh viên đang cần tiền gấp và tìm đến cổng bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để chờ bán máu. Bằng cách lân la, tiếp cận với đội quân xe ôm, tỏ ra thực sự là "những người khốn khổ" đang cần bán máu, PV dần dà đã tiếp cận được “cò” máu.
Biết chúng tôi đang cần bán máu, một “cò” kiêm xe ôm tên Ph. nhanh miệng: “Tìm đúng chỗ rồi đấy, đi bán máu lần nào chưa, ai giới thiệu, đang học trường gì?”. Những câu hỏi dồn dập khiến chúng tôi không kịp trả lời. Thấy người bán máu có vẻ ấp úng, Ph. cười: “Chắc lần đầu đúng không, đừng sợ, nếu đảm bảo đúng các yêu cầu của anh thì sẽ bán được máu, kiếm được tiền”.
Nói rồi, Ph. dẫn chúng tôi đến một quán nước trên đường Triệu Quốc Đạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy xởi lởi nhưng người đàn ông này dường như rất cảnh giác, bắt chúng tôi trình thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân và đặc biệt hơn phải tắt hết điện thoại mới nói chuyện.
Khi chúng tôi đã chứng minh được mình là một sinh viên đang “khát” tiền, Ph. liền nói về quy trình khép kín để không bị lộ, đôi bên cùng có lợi. “Sắp tới sẽ có một ca mổ cho bệnh nhân gãy xương đùi, nhưng họ chỉ cần một đơn vị máu (250ml), nên tôi cũng cần một người. Đúng 9h sáng, người bán máu phải có mặt đúng giờ, cầm giấy dự trù máu mà người nhà bệnh nhân đưa cho rồi đi xét nghiệm máu. Điều cần ghi nhớ nhất chính là tên bệnh nhân, không được có gì sai sót đâu đấy. Làm đầy đủ các xét nghiệm sẽ tiến hành lấy máu, cuối cùng mới được nhận tiền”, “cò” máu Ph. hướng dẫn.
Không để chúng tôi kịp hỏi giá của một đơn vị máu được trả, “cò” máu Ph. nhanh miệng: “Giá của một đơn vị máu cho một người là 200 nghìn đồng, nếu như máu đấy là máu hiếm mới lên được 300 nghìn đồng. Chúng tôi chỉ kiếm tý hoa hồng, chứ chẳng được bao nhiêu đâu, gọi là “làm phúc” cho những bệnh nhân đang thiếu máu và gặp khó khăn thôi”.
"Cò" máu Ph., người mua máu với giá rẻ của sinh viên như... cho. |
PV thắc mắc về giá bán máu quá rẻ, nghe thấy nhiều người bán máu thường được trả 500 nghìn đồng, vì còn kèm theo tiền bồi dưỡng sức khỏe thì “cò” Ph. lắc đầu: “Giờ không có giá đấy đâu em ơi, em không nhanh là anh xếp lịch cho người khác đấy”.
Chúng tôi đành miễn cưỡng gật đầu với giá bán 200 nghìn đồng ngỏ ý muốn xin số điện thoại để tiện liên lạc, nhưng “cò” Ph. rất cảnh giác: “Em cứ đúng hẹn ra đến cổng viện là gặp anh”. Sau đó “cò” máu vội vã rời đi.
Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại cổng viện Việt Đức, “cò” Ph. nhanh chóng bật tín hiệu để chúng tôi đến gần. Tới nơi “cò” Ph. rỉ tai: “Vì cần có một đơn vị máu, mà tôi lại quên mất hôm trước có một người bán máu chờ, người này không mặc cả gì hết. Vì thế, các em vui lòng chờ đến hôm sau hoặc khi nào anh gọi thì đến”, nói xong Ph. nháy mắt đầy tinh quái.
Chúng tôi có vẻ tiếc nuối vì không bán được máu, một tài xế xe ôm tên K. cho hay: “Em cứ đứng ở cổng này thì một lát nữa sẽ có người nhà cần máu ra tìm, nếu cần nhiều thì em có cơ hội bán được nhanh”.
Cứ người này truyền người kia, không ít tài xế xe ôm tại cổng bệnh viện Việt Đức kiêm luôn nghề “cò” máu. Giá mua máu rẻ, nhưng giá bán máu cho người nhà bệnh nhân thì được hét với mức… trên trời.
Từ câu chuyện người bán máu với giá rẻ và người nhà bệnh nhân cần máu, PV tiếp tục tìm hiểu và biết được nhiều tình tiết gây sốc được tiết lộ từ người nhà bệnh nhân.
Mời quý vị độc giả đón đọc kỳ 2 đăng tải vào lúc 8h ngày 16 tháng 10 năm 2018 với nội dung đặc biệt:
Tiết lộ sốc về việc bệnh nhân bỏ tiền mua “người nhà” để hiến máu cho bệnh viện
[presscloud]4838[/presscloud]
Xem video: Ai tiếp tay cho "cò" máu lộng hành?
Nhóm PV Điều tra
Theo Người Đưa Tin