Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điều tra "dấu hiệu hối lộ" nhà báo của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái

(DS&PL) -

Liên quan hành vi đưa 200 triệu đồng của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho hay, động cơ đưa tiền đang được xác

Liên quan hành vi đưa 200 triệu đồng của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho hay, động cơ đưa tiền đang được xác minh, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý.

Theo thông tin trên báo Vnexpress, liên quan đến vụ Công an TP Yên Bái bắt nhà báo Duy Phong (Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam), trong buổi họp báo 6 tháng đầu năm sáng 28/6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cho biết: "báo cáo của công an tỉnh này gửi về cho thấy lệnh bắt nhà báo Lê Duy Phong là có căn cứ". Bộ Công an đã cử người giám sát việc Công an Yên Bái điều tra vụ án.

Ông Tuyến thông tin, ngày 16/6, Lê Duy Phong tới Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư) nêu một số vi phạm của Sở, yêu cầu đưa 200 triệu đồng để giải quyết vụ việc. "Ông Sáng không có đủ tiền nên giao trước 100 triệu đồng. Số tiền còn lại đã được chuyển nốt vào buổi chiều”, trung tướng Tuyến thông tin.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến thông tin tại buổi họp báo Bộ Công an sáng 28/6 - Ảnh: Báo Dân trí

Ngày 22/6 cũng tại Yên Bái, Lê Duy Phong bị Công an thành phố này bắt quả tang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp trong một nhà hàng. "Tại cơ quan điều tra, Lê Duy Phong thừa nhận hành vi", ông Tuyến nói.

Liên quan hành vi đưa 200 triệu đồng của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay động cơ đưa tiền đang được xác minh "Nếu có dấu hiệu hối lộ để làm giảm nhẹ sai phạm, đủ căn cứ sẽ xử lý", ông Tuyến cho biết.

Cùng đưa tin về buổi họp báo, báo Tuổi trẻ thông tin thêm, về kiến nghị của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tuyến cho biết vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Công an TP Yên Bái. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chức năng thực hiện việc giám sát quá trình điều tra để đảm bảo quá trình điều tra khách quan đúng quy định của pháp luật.

Theo báo Lao động, trước đó, vào 12h45 ngày 22/6, Cơ quan CSĐT Công an TP.Yên Bái bắt Lê Duy Phong (32 tuổi, ở Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, thường trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), Trưởng ban Bạn đọc, báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Lê Duy Phong bị bắt vì có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản của một doanh nghiệp tại phường Nguyễn Thái Học, TP.Yên Bái.

Đến ngày 26/6, Cơ quan CSĐT Công an TP.Yên Bái (Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Duy Phong.

Lê Duy Phong bị bắt về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân TP.Yên Bái phê chuẩn.

Điều 289. Tội đưa hối lộ (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật