Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điều tra cái chết của người phụ nữ trên cây trứng cá

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Người phụ nữ đơn thân, hàng ngày bán nước mía ven đường kiếm sống. Người ta cho rằng bà đã tìm đến cái chết để kết thúc chuỗi ngày sống buồn tủi, tuyệt...

(ĐSPL) - Người phụ nữ đơn thân, hàng ngày bán nước mía ven đường kiếm sống. Người ta cho rằng bà đã tìm đến cái chết để kết thúc chuỗi ngày sống buồn tủi, tuyệt vọng của mình. Sự ra đi của người phụ nữ sống trong cô quạnh khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa...

Bất ngờ người bán nước mía chết treo cổ trên cây

Vài ngày nay, cư dân sống ở góc đường Trần Não - Song hành Xa Lộ Hà Nội (quận 2, TP. HCM) vẫn chưa hết xôn xao về cái chết của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị H. (60 tuổi, tạm trú quận 2, TP. HCM). Theo những người dân ở khu vực, người phụ nữ lớn tuổi này bán nước mía ngay vỉa hè đã nhiều năm, nên hầu như cư dân ở đây đều quen mặt. Hàng ngày, họ vẫn mua nước mía từ hàng của bà. Lần nào, bà cũng tiếp đón khách niềm nở, thi thoảng còn thêm mấy câu vui vui với câu chuyện của khách. Vì thế, mọi người rất quý và thường rẽ vào mua ủng hộ. Cũng theo những người khách hay mua hàng, bà không có biểu hiện gì của người mắc bệnh tật hay lo lắng. Thế nhưng, đột ngột người ta phát hiện bà qua đời.

Công an đang đến khám nghiệm hiện trường nơi bà H. chết.

Theo đó, khoảng 8h30 ngày 14/10, một số người dân khi đi làm đã phát hiện một người phụ nữ treo cổ trên cây trứng cá ở góc đường Trần Não. Lập tức mọi người tiếp cận và nhận ra bà H., người phụ nữ lớn tuổi hàng ngày vẫn bán nước mía ở đây. Tuy nhiên, theo ghi nhận, bà H. đã chết từ trước đó nên mọi nỗ lực cứu chữa không có kết quả. Sau khi phát hiện bà H. đã chết, người dân đã báo tin cho cơ quan chức năng đến giải quyết.

Vụ việc được phát hiện ngay đầu buổi sáng, vào thời điểm mọi người đi làm nên thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là những người dân sống cạnh góc đường Trần Não. Theo quan sát, góc đường này có mấy gốc trứng cá to, tán xòe rất rộng, một số cư dân tận dụng đã dựng lên các quán hàng kiểu “dã chiến” ở đây để bán nước mía, nước dừa, hoa quả ăn vặt. Cũng vì vậy, hàng ở đây thường bán khá muộn, từ khoảng 5h sáng cho tới tối. Theo chị Bùi Thị Minh (sống ở đường Trần Não) bà H. đã bán hàng ở đây khá lâu, nhà chị và một số nhà xung quanh là khách thường xuyên mua nước mía ở hàng của bà nên khi biết tin, chị không khỏi bàng hoàng. Chị Minh cho biết thường ngày thấy bà vẫn cười nói, chuyện trò vui vẻ và cởi mở. Mới cách đây một ngày, chị còn đem cho bà hai cái áo thu đông đã qua sử dụng. “Bà H. khi đó cười hiền, cảm ơn và cho con bé nhà tôi cái bánh gạo. Thế mà, không ngờ bà lại chọn cái chết nhiều uẩn khúc như thế”, chị Minh buồn nói.

Chị kể: “Bà H. đến đây ở trọ, rồi bán nước lề đường, nhưng sống rất hiền hòa. Bà H. tiết kiệm lắm, ngày bán được mấy chai nước với bao thuốc lá có kiếm được bao nhiêu đâu. Vì thế nên bà H. cũng túng quẫn. Có thể khi biết bị mắc bệnh bà buồn đau, nghĩ đến cái chết cũng nên. Chứ bà ấy sống ai cũng quý mến, chưa mất lòng ai bao giờ”.

Đau lòng một phận người cực khổ

Theo bà N.T.T. (một người bán nước dừa cạnh hàng bà H.), bà H. sống một mình, không chồng con. “Trước nghe đâu bà H. cũng đi làm phụ hồ ở mấy công trường xây dựng. Dù là phận đàn bà, nhưng ngày trẻ ai thuê gì bà H. cũng làm, dù công trình ở đâu bà H. cũng theo chân, miễn là có việc. Chẳng bao giờ bà H. nề hà việc làm ăn lương thiện dù sức khỏe có hạn. Nhưng rồi sức khỏe yếu dần, bà không theo được nghề phụ hồ nữa nên về mở quán nước nhỏ, kiếm sống qua ngày. Bà sạch sẽ, nhanh nhẹn, hiền lành và khá cởi mở nên cũng được nhiều khách hàng quý mến, ủng hộ”, bà T. nói.

[mecloud]DjG05FMJqk[/mecloud]

Những lúc vắng khách, bà T. và bà H. hay ngồi tỉ tê cùng nhau. Cùng hoàn cảnh khó khăn, nên bà T. rất thương bà H.. Sống một mình cô đơn, bán nước thì cũng chỉ đủ ngày hai bữa, chưa kể những khi mưa gió, quán hàng không mở được. Vì thế, bà H. chi tiêu rất tằn tiện. Có khi, bữa tối bà chỉ mua gói xôi ăn qua loa. Cách đây khoảng hơn tháng, có đến 3, 4 ngày không thấy bà H. bán hàng. Sau đó thấy bà H. buồn và có vẻ lo lắng, bà T. hỏi thì được biết bà H. mới phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo. Dù thường xuyên được bà T. động viên nhưng bà H. nói rằng bệnh của mình không thể chữa được, với lại, muốn chữa thì phải có nhiều tiền, mà bà thì biết kiếm ở đâu ra?

Bạn hàng nhiều lần bắt gặp bà H. ngồi thẫn thờ nhìn ra đường, nước mắt chảy dài. Bà T. nghẹn ngào nói: “Đôi khi, tôi đi qua nơi bà H. bán nước thấy bà ấy ngồi bần thần, thương lắm. Hỏi thì bà H. cũng chỉ nói vài câu, chứ không rõ ràng lắm về bệnh. Nhưng tôi nghĩ chắc bà H. mắc bệnh nan y. Vì dạo gần đây thấy bà H. gầy hẳn, mặt mày xuống sắc. Tôi cũng động viên an ủi bà ấy nhiều nhưng bà ấy cũng không nguôi buồn. Thật ra cuộc đời mình có con cháu, chúng giúp đỡ động viên nhiều khi bệnh tật không có tiền mình còn thấy nản, đằng này bà H. không có nhiều người thân. Bà ấy sợ là gánh nặng cho xã hội, nên chắc mới nghĩ quẩn như vậy. Cũng mong bà ấy dưới suối vàng linh hồn siêu thoát, số bà ấy khổ quá rồi”.

[mecloud]GxW8Hy22h1[/mecloud]

Những ngày gần đây, bà H. hay than thở bệnh tật. Có hôm, bà T. khuyên thế nào bà H. cũng không chịu ăn cơm, rồi bóng gió xa xôi về việc biết đâu ngày mai xa bà T. mãi mãi. Bà T. cũng chỉ biết động viên, khuyên nhủ bà H. thôi, chứ cũng không có khả năng giúp đỡ. Trời thật không thương những người bất hạnh như bà H., hiền lành, tử tế mà sao khổ cực trăm bề.

“Tôi sao có thể ngăn được nước mắt khi chứng kiến người bạn hàng bao năm qua giờ đã là người ở bên kia thế giới. Xót xa, đau đớn, cũng là một kiếp người, sao lại nhiều đắng cay, tủi cực. Tận lúc ra đi, cũng chẳng nhẹ lòng”, bà T. khóc nói. Nhiều người dân ở khu vực này cho đến nay vẫn không hiểu tại sao bà H. lại lựa chọn kết cục ấy. Không ai hiểu được sự bất hạnh và nỗi cô đơn của người đàn bà hiền lành chất phác. Nhiều người xót xa và nuối tiếc. Nhưng có lẽ, đó là số phận của cuộc đời người đàn bà bất hạnh.

Tô Hương Sen

Xem thêm video:

[mecloud]t40iN7w9Li[/mecloud]

Tin nổi bật