“Người làm nón là nghệ nhân của nghệ nhân”
Nghệ nhân Hoàng Thị Thơ bên quầy chưng bày nón lá làng Chuông.
Thế hệ người Hà Nội cũ không ai là không biết đến làng Chuông, một trong những làng nghề làm nón cổ truyền đã tồn tại từ rất lâu đời. Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, làng Chuông vẫn dễ nhận thấy bởi không gian cổ truyền thống với những mảnh sân phơi đầy nón trắng hay nguyên liệu làm nón. Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 Âm lịch và chỉ bày bán 1 thứ hàng duy nhất là nón.
Ngày mùng 10/11 Âm lịch, chúng tôi có dịp ghé thăm chợ nón làng Chuông. Vì chợ nón họp từ rất sớm nên chúng tôi đã khởi hành từ 4h sáng. Băng qua con đường làng quanh co bên những thửa ruộng ngút tầm mắt, khu vực chợ nón làng Chuông đã hiện ra trước mắt. Chợ nằm dưới một triền đê bên bờ sông Đáy, là một trong những phiên họp chính, nên từ tờ mờ sáng con đường đê đã đông đúc nhộn nhịp người mua kẻ bán. Về với làng Chuông, nhìn quang cảnh nông thôn đổi mới, chúng tôi mới thực sự hiểu nỗi nặng lòng của những nghệ nhân nơi đây. Việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống, nét đẹp văn hóa cổ truyền không phải là điều quá khó, vấn đề là phải tìm ra cách thức phù hợp để không bị mai một.
Không sai khi nói rằng: “Người làm nón là nghệ nhân của nghệ nhân” bởi họ phải là người cẩn thận, tỉ mỉ nhất. Trò chuyện với PV ĐS&PL, bà Hoàng Thị Thơ một nghệ nhân của làng nón cho biết, nón lá làng Chuông có đến 16 lớp vòng, giúp cho nón có độ bền, chắc, đẹp, mềm mại mà tròn đều. Mỗi chiếc nón thành phẩm phải trải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá.
Bà Thơ cho biết: “Lá nón được lấy từ lá lụi - một loại cây họ nhà cọ trên rừng xa của núi non Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta phải lựa loại lá màu sáng và xanh đều thì lá sẽ đẹp. Công đoạn làm lá là công đoạn vất vả và khó khăn nhất vì phải làm thủ công để đảm bảo lá không bị dập, rách, nát”.
Đôi chân của người nghệ nhân phải đảo qua đảo lại lá lụi trong cát khô có sỏi nhìn tưởng chừng đơn giản, nhưng lại tốn không biết bao mồ hôi công sức. Một bó lá lụi phải được vò liên tục trong 30 phút cho đến khi lá mềm, đầu lá xoăn lại mới đạt tiêu chuẩn. Muốn làm được nón thì lá phải phẳng, người thợ khéo léo dùng khăn nhúng nước hơ trên lửa cho nóng trước khi là nhẹ lên lá. Để làm ra những chiếc nón đẹp, tròn và cân đối người thợ làm nón sử dụng những chiếc khung gỗ có 8 gọng, mỗi gọng có 16 khấc đều nhau để đặt các vòng nón.
Theo bà Thơ, vòng nón làm từ những thanh tre được vót tròn, nhẵn và đều nhau. Các đường tròn nhỏ dần khi đến chóp thì tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc được bện lại bằng mây rất chắc chắn và đẹp mắt. Công đoạn làm khung nón là khó nhất vì nó quyết định đến độ tròn và bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông tuy đơn giản nhưng đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ khi hoàn thiện.
Đến công đoạn quay nón và khâu nón, bà Thơ cho hay: “Đây là công việc xếp lá lên khung, là khâu tạo hình cuối cùng cho chiếc nón, các tệp lá được xếp lại cắt vát một đầu rồi dùng kim cố định lại. Nhìn khâu nón thì đơn giản nhưng người nghệ nhân luôn phải làm việc tỉ mỉ không khác gì một người thợ thêu, đôi tay nhanh thoăn thoắt cố gắng luồn kim qua từng chiếc vòng”.
Dày công gìn giữ làng nghề
Phiên chợ nón làng chuông với nhiều màu sắc truyền thống.
Có mặt tại phiên chợ nón, điều mà chúng tôi ấn tượng là những chiếc nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa. Màu trắng của nón lấp lóa khắp nơi xen lẫn sắc hồng trên má các cô gái đôi mươi, cùng những tiếng cười giòn tan làm cho không khí trong chợ càng thêm đậm đà bản sắc quê hương.
Hình ảnh những cụ bà răng đen nhai trầu ngồi bán hàng thật thú vị. Sự thong thả của họ khiến thời gian như chậm lại. Người làng Chuông vừa bán hàng vừa chuyện trò rôm rả bên chén nước chè xanh, ai ai nói cười khiến một người khách đường xa như chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái. Tôi trò chuyện với vài cô bán hàng, được biết thêm khá nhiều về nghề làm nón và cảm nhận được sự thân thiện cũng như mộc mạc, chân tình của họ. Chợ họp tương đối nhanh, đến khoảng gần 8 giờ sáng đã bắt đầu vãn.
Người dân làng Chuông gắn bó cả đời với chiếc nón lá. Không ai biết nghề nón có từ bao giờ, theo các cụ bô lão trong làng kể lại, ngày xưa vì đất làng Chuông khô cằn, không thể trồng được các loại cây mang giá trị kinh tế cao, nên người làng kiêm thêm nghề phụ là nghề làm nón lá.
Ngày nay, các bậc cao niên ở làng Chuông vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu. Các bạn khi đến Làng Chuông có thể bắt gặp ở chợ nón hình ảnh những cô bé vừa phụ giúp mẹ bán nón vừa học cách khâu nón. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại. Người làng Chuông càng tự hào hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tìm hiểu về nghề truyền thống của làng.
Minh Nhật