Trong một nhà hàng Triều Tiên ở Thượng Hải, Trung Quốc, người ta thấy hoa giả, những nụ cười hờ hững và những loại thực phẩm đơn giản.
Hơn 100 cơ sở của nhà hàng Pyongyang Goryeo có mặt trên khắp thế giới, mang đến cơ hội để người dân 4 phương trải nghiệm văn hóa của quốc gia chứa đựng nhiều bí ẩn này. Đây là chuỗi nhà hàng thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Trên trang South China Morning Post, cô Juli Min cho hay rất ít người Hàn Quốc mà cô quen ở Thượng Hải muốn dùng bữa ở những nhà hàng Triều Tiên trong thành phố.
Đa số đều cho rằng thực phẩm ở đây không có gì đặc sắc so với đồ ăn Hàn ở Thượng Hải. Một số người e ngại vì đi ăn đồ Triều Tiên là ủng hộ Bình Nhưỡng.
Tuy vậy, nhiều người Trung Quốc và du khách nước ngoài cho rằng đến các nhà hàng Bình Nhưỡng ở Thượng Hải là cách để thưởng thức hương vị Triều Tiên mà không phải mất công sang tận nước này.
Triều Tiên mở các nhà hàng ở Trung Quốc vào những năm 1990, chủ yếu dọc biên giới giữa hai nước. Qua nhiều thập kỷ, nước này mở thêm các nhà hàng ở khắp Trung Quốc, Đông Nam Á và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất).
Triều Tiên coi đây là một phương thức để quảng bá văn hóa và thể hiện hình ảnh tốt đẹp trong mắt người nước ngoài. Các nhà hàng được trang hoàng lộng lẫy, bắt mắt, tất cả mọi thứ, bao gồm cả nhân viên đều được quản lý và giám sát chặt chẽ.
Ở lối vào nhà hàng Pyongyang Goryeo, người ta bố trí hai nữ nhân viên mặc hanbok màu hồng, trang điểm tinh tế, tóc để gọn gàng. Hai nhân viên đưa cô Juli lên tầng hai, nơi tương đối vắng vẻ, duy chỉ có một gia đình Trung Quốc đang dùng bữa ở bàn tiệc.
Cứ 5 người Triều Tiên thì mới có một người ngoại quốc đến đây dùng bữa. Nhà hàng rộng khoảng 400 m2, thường xuyên vắng khách dù nằm trong khu kinh doanh, đến giờ ăn trưa thì đông khách hơn cả.
Các nhân viên phục vụ bàn đều là nữ, mặc hanbok màu xanh da trời thêu những bông hoa rực rỡ sắc màu, lấp lánh dưới ánh đèn. Vì ít việc, họ tụ tập gần quầy thanh toán theo các nhóm nhỏ, trò chuyện sôi nổi. Cô Juli cũng chụp vài tấm ảnh ở đây vì cho rằng không có quy định cấm dùng camera.
Theo cô, nhà hàng này trông không có gì đặc biệt. Đèn chùm pha lê được treo lơ lửng trên mỗi bàn ăn, ghế ngồi màu xám như ghế sau của taxi, khăn ăn cuộn vào đúng vị trí.
Cây trang trí trong nhà hàng là cây nhựa, hoa màu vàng lẫn trong đám lá xanh, dải băng cũng màu xanh, quấn quanh các nhánh cây cho thêm phần sinh động.
Nữ nhân viên bê những món ăn trên cái khay nhỏ đặt lên bàn. Bắp cải lạnh, muối chua, đậu phụ với dưa chuột trộn gia vị, một vài lát khoai lang và kimchi củ cải, chúng không thực sự là đồ tươi, nhưng không đến nỗi khó ăn.
Khi Juli nói chuyện với cô hầu bàn bằng tiếng Triều Tiên thì đều nhận được những câu trả lời ngắn gọn và đúng trọng tâm. "Cô đến từ đâu?", Juli hỏi. "Bình Nhưỡng", cô kia đáp.
"Thế cô học tiếng Trung bằng cách nào?". "Về Bình Nhưỡng", cô hầu bàn đáp ngắn. Sau khi trả lời thêm một câu nữa, cô này dừng cuộc trò chuyện, cúi đầu chào và quay đi rất nhanh.
"Tôi gọi các món trong thực đơn, chúng được đặt tên theo thủ đô Bình Nhưỡng. Canh bánh gạo Bình Nhưỡng, mỳ lạnh Bình Nhưỡng. Món canh đơn giản, hơi nhiều dầu mỡ so với khẩu vị của tôi", Juli kể.
Một nhân viên phục vụ khác tự động trộn bibimbap (cơm trộn) dù không được yêu cầu. Món này cũng hơi nhiều dầu, khiến Juli hơi thất vọng vì có cảm giác khác lạ so với món ăn Hàn Quốc mà cô từng biết. Các món ăn Hàn thường ít dầu, đa phần là nướng, hấp, hầm…
Nhưng theo Juli, đối với một đất nước bí ẩn như Triều Tiên, không ai biết ẩm thực của quốc gia này thực sự ra sao. Có lẽ việc cho nhiều dầu vào món ăn dường như để thể hiện sự xa xi, hoặc là dấu hiệu nhắc rằng Triều Tiên và Hàn Quốc khác biệt với nhau như thế nào.
Tuy vậy, cũng có lần Juli bị một cô hầu bàn nhắc tắt máy ảnh.
Khoảng 19h30 mỗi tối, nhân viên sẽ bật một bài hát và sẽ có một màn khiêu vũ sẽ diễn ra trong 20 phút. Nhóm chơi nhạc cụ gồm 4 cô gái, còn hai vũ công nữ khác cầm bó hoa hồng giả, bước đi đồng nhịp với nhau.
Hệ thống âm thanh sử dụng nhiều hiệu ứng vang nên Juli không rõ họ hát bắng tiếng Trung hay tiếng Triều. Họ cười chung một kiểu, lắc lư theo nhiều hướng. Các nhân viên còn lại sẽ vỗ tay tán thưởng sau mỗi màn biểu diễn như vậy.
Họ cũng có tương tác với người xem qua những màn trao và lấy lại hoa giả vốn là đạo cụ biểu diễn.