Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Diễn viên đóng thế: Tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”

(DS&PL) -

Làm diễn viên ai chẳng mong được nổi tiếng, ấy thế mà với cascadeur danh vọng có lẽ là điều quá xa vời.

Làm diễn viên ai chẳng mong được nổi tiếng, ấy thế mà với cascadeur danh vọng có lẽ là điều quá xa vời. Nhưng, “lửa” đam mê đã giúp họ vượt qua tất cả, dẫu đôi khi họ phải đánh cược cả tính mạng của mình. Với họ, hạnh phúc nhất là khi trở về nhà sau một ngày nhào lộn mệt mỏi, được nhìn thấy những pha hành động của mình trên màn ảnh.

Không công ty nào chịu bán bảo hiểm

Cụm từ diễn viên đóng thế (cascadeur) không còn quá xa lạ với khán giả hiện nay. Không lộ mặt, xuất hiện chớp nhoáng trong những pha hành động nguy hiểm, không nổi tiếng, không danh vọng, nhưng nguy cơ đối mặt với chấn thương, tai nạn lại rất cao, đó là những cụm từ ngắn gọn khi nói về công việc này.

Nhiều cascadeur khẳng định, nếu không có “lửa” đam mê thì họ không thể gắn bó với nghề này lâu được. Trong bộ phim hành động có những pha nguy hiểm và nếu diễn viên không đảm nhiệm được thì bắt buộc phải tìm diễn viên đóng thế. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi một cascadeur quyết định nhận vai, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách và hiểm nguy.

Phi Ngọc Ánh được mệnh danh là “Nữ cascaduer số 1 Việt Nam”.

Trong giới cascadeur, không ai không biết tới cái tên Phi Ngọc Ánh - nữ cas- cadeur số 1 Việt Nam. Dù kinh qua nhiều pha hành động kiểu “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng diễn viên Ngọc Ánh vẫn không tránh được những tai nạn ngoài ý muốn.

“Bầm tím, trật tay, trật chân là chuyện thường tình với cascadeur, nhưng có những tai nạn sẽ để lại dấu tích hoặc chấn thương mãi mãi. Còn nhớ, khi tôi thực hiện cảnh cháy nổ trong phim Luật rừng, quả nổ lớn nằm ngay sát gần bên lưng tôi. Khi quay cảnh đó, tôi đã bị sức ép của trái nổ hất bay xa mấy mét và ngất lịm. Khi tỉnh dậy, người ám đầy mùi khói và bàng hoàng, lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra với mình.

Hay như có lần, tôi thực hiện cảnh đánh nhau trên nóc xe con- tainer đang di chuyển trên đèo ở Nha Trang, giữa cái nắng 40 độ, tôi đã ngất xỉu và ngã từ trên xe xuống. Rất may, đồng nghiệp đã kịp thời đỡ lấy tôi, nếu không hậu quả sẽ rất kinh khủng”, Phi Ngọc Ánh tâm sự.

Cascadeur Phi Long – thành viên CLB Cascadeur Quốc Thịnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự cố nguy hiểm anh từng gặp phải khi đóng thế. Anh chia sẻ: “Có lần tôi quay phim ở cầu Thủ Thiêm và ngã suýt ảnh hưởng tới tính mạng. Lúc đó, do sợi dây bảo hiểm rơi ở tốc độ khá nhanh nên tôi bị giập xương sống và mất hơn 2 tháng tôi mới hết cảm giác đau. Đến giờ, tai nạn đó vẫn để lại di chứng”.

Cascadeur Phi Long trong một pha đóng thế đua xe phân khối lớn.

Trò chuyện với HLV võ thuật môn phái Nhất Nam - Phạm Ngọc Phúc, cascadeur đảm nhận nhiều pha nguy hiểm trong các bộ phim truyền hình, anh cũng chia sẻ nhiều trăn trở khi nhắc đến công việc đóng thế nguy hiểm.

“Khi đóng Nhận diện tội phạm của ANTV, có cảnh hai bên va chạm xe rồi rút dao đâm nhau. Ở cảnh đó, tôi chút nữa đã bị đâm trúng người. Hôm đó, tôi bị rách áo, trầy xước nhẹ, xe bị đổ xuống đường nên cũng hư nhẹ. Thú thật, hôm nào đi quay cũng phải mang theo 4 - 5 bộ quần áo, bởi rách là “chuyện thường ở huyện”, Phạm Ngọc Phúc trải lòng.

Thực tế, đã có không ít tai nạn ngoài ý muốn, thậm chí mất mạng xảy ra với các cascadeur khi đóng những cảnh cháy nổ, nhảy lầu, đánh đấm, đâm xe... Đối mặt với “cửa tử” trong gang tấc, vậy các diễn viên đóng thế sẽ được bảo hiểm, hỗ trợ như thế nào nếu xảy ra sự cố?

Nhắc tới điều này, cascadeur Phi Ngọc Ánh than thở: “Chẳng có một công ty bảo hiểm nào chịu bán bảo hiểm cho cascadeur và cũng chẳng có tổ chức nào đứng ra bảo trợ hay hỗ trợ cho chúng tôi. Nếu chẳng may bị tai nạn, thì chỉ có anh em trong nhóm tương trợ và giúp đỡ nhau mà thôi”.

“Vì cascadeur được liệt vào danh sách những nghề nguy hiểm nhất với xác suất gặp sự cố rất cao và tần suất bị tai nạn lại liên tục, nên diễn viên chỉ có thể mua bảo hiểm y tế, còn những bảo hiểm khác thì họ không dám bán cho nghề này.

Trên hết, mỗi diễn viên phải tự đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân. Bản thân chúng tôi vừa đóng những cảnh mạo hiểm, vừa phải tự lo an toàn cho bản thân, chứ không ai đảm bảo tính mạng cho đâu. Những cảnh va chạm ô tô ngoài đường, đánh đấm, trèo leo, diễn viên đóng thế phải tự đảm bảo an toàn tính mạng cho mình. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ ăn ý của đồng nghiệp, anh em trong nhóm”, cascadeur Phi Long chia sẻ.

Trong khi đó, chàng cascadeur trẻ tuổi Phi Long tâm sự: “Cascadeur phải xác định được những rủi ro cao nhất, để lường trước và tránh trong khi diễn. Tuy nhiên, mức an toàn mà diễn viên lường trước cũng chỉ dừng lại ở 70-80%, chứ không thể 100% được. Vậy nên, cascadeur phải cực kỳ cẩn thận! Tôi cho rằng, khi đối diện với mỗi pha nguy hiểm, sự sợ hãi cũng là tâm lý bình thường của con người thôi.

Dẫu có sợ, nhưng nếu mình thích và làm được thì cảm giác rất thú vị. Để diễn tốt những pha nguy hiểm, cas- cadeur ngoài kinh nghiệm lâu năm, còn cần phải tập luyện nhiều. Ví dụ, cảnh nhảy lầu, cần nhất sự tỉnh táo, bởi nếu tiếp đất không đúng vị trí có thể dẫn đến gãy tay, chân, trẹo xương sống là chuyện bình thường; đảm nhận cảnh đua xe thì diễn viên phải am hiểu kỹ thuật cơ bản về xe. Thật sự, trong nghề này, cần một chút liều lĩnh”.

Nghề cascadeur bạc lắm!

Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ rằng, nghề cascadeur đóng những pha hành động chắc phải nhiều tiền lắm. Vừa nhắc tới đây, giọng diễn viên đóng thế Phạm Ngọc Phúc bỗng trầm xuống: “Không hề có nhiều tiền như mọi người nghĩ đâu! Trụ được với nghề cascadeur là do diễn viên đam mê thôi. Hiện tại, có những cảnh hành động nguy hiểm chỉ được 300-400 nghìn đồng. Còn thuở mới vào nghề, cũng chỉ có 50 – 100 nghìn đồng/cảnh. Sau này, kỹ năng dày dạn hơn, có cảnh được 300 nghìn đồng, cao nhất cũng chỉ ở mức 500 – 600 nghìn đồng/cảnh. Chưa kể, sau khi đóng còn bị va chấn, sưng mặt mũi là chuyện bình thường. Thật sự, nghề cas- cadeur bạc lắm!”.

Cascadeur Phạm Ngọc Phúc chia sẻ với phóng viên những trăn trở về nghề đóng thế. (Ảnh: Thành Long).

Đó cũng là trăn trở của cascadeur Phi Long: “Nếu ai đó nói làm diễn viên đóng thế nhiều tiền thì không có đâu. Không thể sống bằng nghề cascadeur vì đồng lương mà diễn viên nhận được rất thấp. Công việc trong tháng cũng không đều. Hơn nữa, cát-xê của cascadeur còn tùy theo phim, giá trị của cảnh mà diễn viên đảm nhận. Nên, lương lưng chừng, không cố định”.

Ngoài việc đối mặt với nguy hiểm, cát- xê thấp, diễn viên đóng thế còn chịu thiệt thòi khi chấp nhận làm “người hùng giấu mặt” đứng sau thành công của một bộ phim. Vất vả, mạo hiểm là thế, cống hiến cho khán giả những pha hành động đẹp mắt, nhưng khán giả mấy ai biết đến họ, cũng không được vinh danh trong các giải thưởng.

“Thật sự, tôi cảm thấy rất chạnh lòng! Trong khi có những giải thưởng để vinh danh các bộ phận khác như: Đạo diễn, diễn viên, quay phim, ánh sáng... mà không có những giải thưởng cho ê-kíp hậu trường phía sau. Điều đó cho thấy, có vẻ như công việc cascadeur chưa được giới chuyên môn đánh giá cao và quan tâm. Trong khi, đây là một phần không thể thiếu góp vào sự thành công của một bộ phim hành động”, diễn viên Phi Ngọc Ánh ngậm ngùi.

Nhưng sau tất cả, cascadeur không màng tới danh vọng, điều khiến họ luôn trăn trở là các chế độ bảo hiểm và cát-xê dành cho những diễn viên đóng thế. Họ muốn những điều này sẽ được cải thiện hơn để các cas- cadeur có thể sống và cống hiến với nghề.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 38

Tin nổi bật