Để khắc họa chân thực bối cảnh thời chiến, quá trình thực hiện MV “Cúc ơi!” của NSƯT Tố Nga đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
[presscloud]3409[/presscloud]
NSƯT Tố Nga vừa chính thức phát hành MV “Cúc ơi!” nhân dịp kỷ niệm 50 Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong (24/7/1968-24/7/2018), và 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2018.
NSƯT Tố Nga chia sẻ, chị đã ấp ủ thực hiện một sản phẩm âm nhạc về các nữ Thanh niên xung phong anh hùng Ngã ba Đồng Lộc, những người con ưu tú của quê hương chị, từ năm 2006. Tuy nhiên, đến tận thời điểm này chị mới có cơ hội để thực hiện.
NSƯT Tố Nga trong MV "Cúc ơi!". |
NSƯT Tố Nga nhấn mạnh: “Tôi không phải người mê tín, nhưng có những điều tôi không lý giải được, sau những khấn nguyện của tôi một thời gian thì những khó khăn trong cuộc sống mà tôi gặp phải kia đã được giải toả. Tôi đã đau đáu làm một sản phẩm âm nhạc để tri ân các chị từ ngày đó mà không hiểu sao mãi không thực hiện được. Tôi vẫn đến Ngã ba Đồng Lộc dâng hương hàng năm, mỗi lần đến đó đầu tôi như bị xoá trắng, không nhớ gì về những dự định âm nhạc muốn làm của mình, khi trở về mới lại thấy trăn trở ấy quay lại.
Cứ như thế, loay hoay mãi 12 năm tôi không hoàn thành được tâm nguyện, đến năm nay, đúng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, như có điều gì đó đã thôi thúc tôi từng ngày để tôi làm sản phẩm. Đây thực sự là nhân duyên, ca khúc “Cúc ơi!” mà tôi chọn không chỉ là vì ca khúc hay, mà bài thơ còn đặc biệt bởi được sáng tác từ nhà thơ Yến Thanh, là bạn chiến đấu của bố tôi khi hai cụ cùng đi Thanh niên xung phong”.
Xuất hiện trong MV “Cúc ơi!” của NSƯT Tố Nga đặc biệt có gương mặt ca sĩ Hoa Trần - vợ của NSƯT Việt Hoàn, trong vai chị Cúc. Ngoài đời, Hoa Trần là người em, người bạn thân thiết của Tố Nga nên cô đã nhận lời cùng Tố Nga thực hiện MV “Cúc ơi!”.
Hoa Trần chia sẻ: “Đây cũng là lần đầu tiên tôi được tham gia một dự án mang màu sắc thời chiến, chúng tôi đã thực hiện những cảnh đào đất san đường, đứng trước nỗi lo sợ cảnh cháy nổ một cách rất thật khiến tôi vô cùng xúc động và thấy thấu hiểu hơn, biết ơn hơn thế hệ đi trước đã quá vất vả, hy sinh quá lớn lao cho hòa bình của chúng ta ngày hôm nay”.
Với vai chị Cúc, Hoa Trần phải thực hiện một số cảnh bị bom dội, giữa trưa nắng, cô phải thực hiện đi thực hiện lại cảnh khi chị Cúc ngã xuống với cái nắng đổ lửa và hàng xô đất đá hất vào mặt, vào người. Thế nhưng, Hoa Trần không hề nản chí, không quan tâm đến da bị cháy nắng hay đất cát làm mắt mũi mình tối sầm lại, cô đã hết mình để tái hiện hình ảnh chị Cúc trọn vẹn nhất.
|
Trong cảnh bom nổ, Cúc và các chị nữ thanh niên xung phong ngã xuống, do chưa quen với việc quay cảnh chiến tranh, lại phải quay “một đúp xong ngay” vì chỉ có 3 quả nổ, nên Hoa Trần và các diễn viên bị trật nhịp, quả nổ nổ đúng lúc cô vừa nhô đầu lên khiến Hoa Trần bị cháy xém một bên tay và vạt lưng, một nữ diễn viên khác trong vai các chị Thanh niên xung phong cũng bị cháy da tay và chảy máu.
[presscloud]3410[/presscloud]
MV “Cúc ơi!” được đạo diễn bởi nữ đạo diễn trẻ Lam Hạ, người cũng vừa mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực đạo diễn MV ca nhạc. Đây là dự án MV lớn nhất được giao vào tay Lam Hạ, đồng thời cũng là sản phẩm đầu tiên chị làm về chiến tranh.
Trước khi tiến hành quay MV, Tố Nga đã về Hà Tĩnh, tìm đến nhà Liệt sỹ Hồ Thị Cúc để xin phép gia đình và thắp hương xin phép chị Cúc thực hiện MV về chị. Chị Cúc mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng xa, chị ở cùng bà dì, người dì của chị nay vẫn còn sống đã kể cho chị nghe những câu chuyện về chị Cúc ngày nhỏ.
Cũng từ câu chuyện này, mà đạo diễn trẻ Lam Hạ đã xây dựng một kịch bản về chị Cúc, về những nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc anh hùng ở khía cạnh nội tâm, những nỗi niễm phía sau nụ cười, sau sự kiên cường, anh dũng của các chị. Đó là những trăn trở về số phận bất hạnh, những giây phút đẹp đẽ của thời thanh xuân rực rỡ, trẻ trung.
|
Với độ dài hơn 10 phút, MV không thể nói được quá sâu sắc về chị Cúc, hay về các nữ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, nhưng cách tái hiện hình ảnh gần gũi chân thực này đã giúp người xem hiểu hơn về các chị, giới trẻ sẽ trân quý hơn những hy sinh lớn lao của các chị dành cho Tổ Quốc.
MV “Cúc ơi!” kể về chị Hồ Thị Cúc, một trong 10 nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Đó là cuộc đời của một cô gái trẻ, quả cảm, dâng trọn thanh xuân của mình cho độc lập của Tổ Quốc. Từ nhỏ, chị Cúc đã gặp chuyện buồn gia đình, bố mất sớm vì nạn đói, mẹ đi lấy chồng để lại chị cho ông và bà dì nuôi. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, lớn lên chị đi Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Quãng thời gian nhập ngũ, sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, chị Cúc đã vượt qua những nỗi buồn riêng và trở thành một cô gái vui tươi, yêu đời, nhiệt huyết. Chị Cúc cùng các nữ Thanh niên xung phong ngày đêm san lấp hố bom, bám trụ chiến đấu, đảm bảo thông suốt đường 15A trên trận địa Ngã ba Đồng Lộc. Vào lúc 16h ngày 24/7/1968, chị Cúc cùng các nữ Thanh niên xung phong ra mặt đường cách Ngã ba Đồng Lộc về phía Nam khoảng 300 m để san lấp hố bom, sửa chữa đường, bom dội đến lần thứ 15 trong ngày, các chị vẫn vừa hát, trêu đùa nhau, vừa quan sát và san lấp hố bom. Nhưng, một trận bom bất ngờ do một chiếc máy bay địch quay lại đã dội ngay xuống cửa hầm các chị đang trú ẩn, tiếng nổ long trời, khói đen mù mịt. Cúc cùng 9 chị em trong tiểu đội hy sinh. Nhưng, đến khi đồng đội và người dân đào bới tìm các chị thì không thấy Cúc. Phải 3 ngày sau, đồng đội, nhân dân mới tìm được chị bị vùi lấp rất sâu… Thương xót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh (tên thật Nguyễn Thanh Bính - cán bộ phụ trách kỹ thuật ngành GTVT) cũng có mặt thời điểm đi tìm chị Cúc đã nghẹn ngào viết lên bài thơ: “Cúc ơi!”. Xúc động trước bài thơ này, đã có rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc với nhiều tựa đề khác nhau. NSƯT Tố Nga quyết định chọn bản phổ của nhạc sĩ Hăng Ry để thể hiện và thực hiện MV. |
Vi An (T/h)