Với chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, rất nhiều dự án nguồn điện mặt trời đã được triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, điện mặt trời áp mái là một hình thức mới, ưu việt, có thể phát triển vượt bậc trong tương lai.
Điện mặt trời áp mái tạo ra nguồn năng lượng lại không tốn diện tích, giúp chống nắng cho công trình. |
Đòn bẩy cho điện mặt trời áp mái
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (xét triển vọng đến năm 2030), đến năm 2020 tổng công suất nguồn điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 96.000 MW và năm 2030 là 130.000 MW. Tuy nhiên, hiện nay tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống của nước ta mới đạt 45.000 MW.Do đó, trong quy hoạch đã xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6-7 MW năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6 và 3,3% tổng công suất của cả nguồn điện.
Kể từ năm 2017, các dự án điện mặt trời (ĐMT) được triển khai mạnh mẽ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam. Đến thời điểm 30.6, cả nước đã có gần 100 dự án ĐMT đi vào vận hành thương mại, trong đó tập trung vào các tỉnh miền Trung và phía Nam.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để sản xuất 1 MW ĐMT, phải cần tới 1ha đất triển khai dự án. Vì vậy, điện mặt trời áp mái (ĐMTAM)- Điện mặt trời được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy... với quy mô vài kW tới MW đang được coi là một hình thức mới được Nhà nước khuyến khích triển khai sâu rộng tại các địa phương.
Tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu rõ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, trong đó có nêu giá bán điện từ các nhà máy ĐMT, bao gồm cả từ trang trại ĐMT và ĐMTAM là 9,35 US cent/ kWh (2086 đồng/ kWh theo tỷ giá chuyển đổi năm 2017).
Để khuyến khích hơn nữa phát triển ĐMTAM, ngày 8 tháng 1 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg của về sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, trong đó thay vì hộ đầu tư ĐMTAM chỉ bán phần dư của điện từ nguồn ĐMTAM như quy định trước (qua cơ chế bù trừ), thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ ĐMTAM với giá ưu đãi, còn vẫn mua riêng rẽ điện của EVN với giá hiện hành (bình quân 1720 đồng/ kWh) qua điện kế 2 chiều.
Xài không hết thì bán lại cho ngành điện!
Theo ông Lê Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ưu điểm của ĐMTAM là không tốn diện tích đất, giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Những dự án này có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. Các dự án này có thể được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân.
Dù có quy mô nhỏ, nhưng công suất từ các “nhà máy phát điện gia đình” này lại rất lớn. Ví dụ khi có 150 ngàn hộ tại khu vực TP.HCM đầu tư từ 3 - 5 kW điện mặt trời áp mái, có thể tạo ra công suất điện tại chỗ khoảng 600 MW trong giờ cao điểm trưa, tương đương công suất một nửa nhà máy nhiệt điện than như Vĩnh Tân I hoặc Duyên Hải I.
Việc lựa chọn hệ thống điện mặt trời áp mái phù hợp không những tiết kiệm được chi phí, thời gian đầu tư mà còn giúp hệ thống hoạt động tối ưu, tiết giảm chi phí điện tối đa. Tỷ lệ tiết kiệm này phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, khu vực sinh sống cũng như diện tích của mái nhà khi triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.Ví dụ: Một hộ gia đình sinh sống tại miền Nam (nơi có cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,2 – 4,7 kWh/m²/ngày), hàng tháng hóa đơn tiền điện phải trả là 1 triệu đồng (tương đương lượng điện tiêu thụ 426 kWh) và 16m² diện tích mái nhà còn trống, có thể lắp được ĐMTAM có công suất tối đa là 2,20 kWp.Với giải pháp này hàng tháng sẽ tiết kiệm được gần 700.000 đồng tiền điện (tương ứng 70% lượng điện tiêu thụ).
Ngoài tiết giảm chi phí điện tối đa cho gia đình, điểm nổi bật của hệ thống điện này là khi có lượng điện dư không sử dụng, khách hàng có thể bán lại cho ngành điện, với mức giá trung bình là 2.068 đồng/ kWp. Chính vì vậy, sử dụng ĐMTAM không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, điện mặt trời áp mái với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa, dễ dàng huy động các nguồn vốn. Ngoài nhà dân ở các thành phố, thì để tận dụng diện tích mặt bằng mái lớn tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc nối lưới, điện mặt trời áp mái được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Việc lắp đặt năng lượng mặt trời quy mô nhỏ đối với cộng đồng nông thôn đang thiếu điện ở nước cũng vô cùng quan trọng.Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta một vị trí địa lý thích hợp để phát triển nguồn năng lượng mặt trời, trải dài từ Bắc tới Nam với bốn mùa quanh năm có nắng, là những cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng này.
Những địa phương dẫn đầu Theo ước tính, chỉ cần khoảng hai triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ÐMTAM với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than. Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, tính đến ngày 5.2019, tại khu vực miền Nam đã có 1.293 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện qua hình thức năng lượng mặt trời áp mái. Sản lượng phát 2.878.355 kWh, tổng công suất tấm pin 20.299 kWp. Tại Bình Phước, ngoài 39 dự án điện mặt trời quy mô lớn với tổng công suất 3.506 MWp, trong đó, 5 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 1 dự án Bộ Công Thương phê duyệt được bổ sung vào quy hoạch với công suất 850 MWp, hiện đã có 15 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất 84 kWp, sản lượng điện phát lên lưới 18.786 kWh. Tỉnh An Giang có 41 khách hàng gắn thiết bị điện mặt trời áp mái, công suất 489 kWp, sản lượng điện phát lên lưới 39.344 kWh. Theo Đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời giai đoạn đến năm 2020, xét đến 2030 được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, đến năm 2020, An Giang dự kiến công suất lắp đặt khoảng 250MWp; sản lượng điện mặt trời tương ứng 361,4 triệu kWh. Giai đoạn sau năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt lũy kế đạt khoảng 807 MWp, sản lượng điện mặt trời tương ứng 1.166,7 triệu kWh, tổng vốn dự kiến đầu tư cho lĩnh vực năng lượng mặt trời này khoảng 18.318 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có số khách hàng sử dụng điện mặt trời áp mái nhiều nhất khu vực miền Nam. Tỷ lệ khách hàng đăng ký lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái ngày càng tăng. Cụ thể, trên địa bàn hiện có 215 khách hàng lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái, công suất đạt 1.408 kWp, sản lượng điện phát lên lưới đạt 264.838 kWh. Với mức đầu tư 70 triệu đồng lắp đặt thiết bị công suất 3 kWp, ông Bùi Bộ (phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) hiện chỉ thanh toán tiền điện trên dưới 400.000 đồng/tháng, thay vì 900.000 đồng/tháng như trước đây. Ông Bộ cho hay, với chi phí ban đầu rẻ nhưng nguồn lại thu về hàng tháng là rất lớn, đây là cách đầu tư “một vốn bốn lời” mà người dân cần triển khai. |
PV