Reuters đưa tin, ngày 20/2, Điện Kremlin cho biết bất kỳ kế hoạch nào về việc đưa quân đội châu Âu đến Ukraine như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình tiềm năng sẽ là không thể chấp nhận được đối với Nga và họ đang theo dõi các đề xuất như vậy với sự lo ngại.
Trước đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ rằng ông "sẵn sàng và mong muốn" đưa quân đội Anh đến Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ, như một sự đảm bảo an ninh trong trường hợp có một số loại thỏa thuận ngừng bắn giữa Moscow và Kiev.
Thủ tướng Starmer đang lên kế hoạch trình bày với Tổng thống Mỹ Donald Trump một đề xuất triển khai dưới 30.000 binh sĩ châu Âu đến Ukraine, đổi lại Washington sẽ bảo vệ lực lượng này, theo Telegraph.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, đề xuất này là không thể chấp nhận được bởi nó sẽ liên quan đến lực lượng từ một quốc gia thành viên NATO, do đó có tác động đến an ninh của Nga.
“Điều này khiến chúng tôi lo ngại, bởi chúng tôi đang đề cập đến việc gửi quân đội, về khả năng cuối cùng là gửi quân đội từ các nước NATO đến Ukraine", ông Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.
Người phát ngôn Điện Kremlin chia sẻ thêm: “Điều này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác theo quan điểm về an ninh của chúng tôi. Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ việc này".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Nga đã nhiều lần tuyên bố phản đối việc đưa quân đội NATO vào Ukraine. Mới đây, sau cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Riyadh (Saudi Arabia), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow coi bất kỳ khả năng triển khai quân đội NATO nào đến Ukraine là không thể chấp nhận được.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, ông đã đề cập đến “chủ đề về khả năng triển khai lực lượng vũ trang, lực lượng gìn giữ hòa bình nếu xung đột được giải quyết hoặc đạt được thỏa thuận" trong các cuộc đàm phán.
“Chúng tôi đã nói rõ hôm nay rằng việc triển khai bất kỳ quân đội, lực lượng vũ trang nào từ các nước NATO nhưng dưới lá cờ khác, của Liên minh châu Âu hoặc quốc gia, đều không thay đổi điều gì trong bối cảnh này. Đối với chúng tôi, điều này là không thể chấp nhận được”, ông nhấn mạnh.
RT đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga trước đó cũng cảnh báo rằng Moscow coi bất kỳ đội quân gìn giữ hòa bình nào của châu Âu tại Ukraine là một “bước đi khiêu khích có thể làm leo thang xung đột hơn nữa”.
Trong bối cảnh các cuộc hội đàm với Mỹ diễn ra tại Riyadh (Saudi Arabia) vào ngày 18/2, Nga đã yêu cầu NATO hủy bỏ lời hứa năm 2008 về việc một ngày nào đó sẽ trao cho Ukraine tư cách thành viên của liên minh này, đồng thời bác bỏ ý tưởng rằng các lực lượng của thành viên NATO có thể đóng vai trò là người gìn ngữ hòa bình theo một thỏa thuận ngừng bắn.