“Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục cho đến thời điểm đạt được tất cả các mục tiêu đã đặt ra”, hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/2 cho biết.
Quan chức Điện Kremlin đồng thời chỉ ra rằng sự tham gia của các quốc gia phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài hoạt động quân sự đặc biệt nhưng không làm thay đổi tiến trình do Nga đã đề ra trước đó.
"Chiến dịch quân sự đặc biệt được phát động chống lại Ukraine. Theo thời gian, nó biến thành một cuộc chiến chống lại tập thể phương Tây. Các nước thuộc tập thể phương Tây do Mỹ dẫn đầu trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Điều này có thể khiến hoạt động quân sự đặc biệt mất nhiều thời gian hơn một chút nhưng không thể thay đổi hướng đi của nó", ông Peskov nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Anadolu
Tổng thống Vladimir Putin trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson vào tuần trước từng thừa nhận quân đội Nga chưa đạt được tất cả mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Song, nước này vẫn luôn ủng hộ giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột ở Ukraine, điều quan trọng là Kiev và các đối tác phương Tây có chấp nhận hay không.
Chủ nhân Điện Kremlin cho rằng Ukraine đã "mắc sai lầm" và "bỏ lỡ cơ hội chấm dứt xung đột tại cuộc hòa đàm ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022. "Chúng tôi đã chuẩn bị một tài liệu quan trọng có chữ ký của trưởng đoàn đàm phán Ukraine... Chúng tôi đã sẵn sàng ký và xung đột có lẽ đã kết thúc từ lâu ", ông Putin nói
Tổng thống Putin đồng thời phát tín hiệu Nga sẵn sàng trở lại thể thức đàm phán như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có nghĩa là Ukraine phải đáp ứng các điều kiện như đảm bảo trạng thái không liên kết quân sự, hạn chế quy mô quân đội, chấp nhận Crimea và Donbass là một phần của Nga.
Xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Moscow tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Kiev phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ" gồm các vùng Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm 2022.
Phương Uyên (Theo Tass)