Bão có dấu hiệu lệch Nam
Theo báo Sài Gòn giải phóng, cập nhật đến 10h30 từ các cơ quan khí tượng quốc tế, tâm bão số 3 (Yagi) đang có dấu hiệu lệch Nam, có thể lướt qua khu vực đảo Cát Bà vào Hải Phòng và ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội.
Tại Hải Phòng vào hồi 10h40, gió rít mạnh hơn, cây cối nghiêng ngả... nhưng vẫn đang là gió Tây. Theo các chuyên gia khí tượng, điều này cho thấy, tâm bão chưa vào đất liền.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bão số 3 đang tiến sát vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Tính đến 10h20 ngày 7/9/2024, gió mạnh đã được ghi nhận tại một số địa phương như: Cô Tô (Quảng Ninh) đạt cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; TP Hải Phòng cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10 và TP Hải Dương cấp 6, giật cấp 8.
Ông Nguyễn Văn Hưởng dự báo từ trưa đến chiều nay, tâm bão vào bờ, có thể gây gió mạnh cấp 10-12 tại khu vực Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, ảnh hưởng sâu hơn đến các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tâm bão đang áp sát đất liền (lúc 10h30 ngày 7/9)
Tại Hà Nội, từ chiều và tối nay, bão có thể gây gió giật cấp 6 đến cấp 10, kèm theo mưa lớn với lượng mưa từ 150mm đến 350mm.
Cụ thể, lượng mưa tại Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.
Lượng mưa tại thị xã Sơn Tây, các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
Mưa lớn có khả năng gây ngập úng ở Hà Nội trong chiều và đêm nay, một số khu vực thấp trũng ở Hà Nội như bãi giữa sông Hồng, vùng thoát lũ huyện Chương Mỹ có thể chịu ngập úng kéo dài.
Mưa lớn kéo dài cũng có khả năng gây ra sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, đồng thời có thể gây ngập úng diện tích cây trồng, khu nuôi trồng thuỷ sản, gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng.
Công điện của thủ tướng
Công điện thứ 3 về việc tập trung ứng phó bão Yagi và mưa lũ sau bão vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành.
Công điện được gửi tới bí thư, chủ tịch 25 tỉnh, thành phố - những nơi chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cùng bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước.
"Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn", theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Gió giật mạnh làm ngã cây cối trên đường ở Quảng Ninh. Ảnh: TTO
Bão Yagi đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ khiến hàng chục nghìn hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp.
Theo quyết định được đưa ra ngày 6/9, gần 6,5 triệu học sinh tại 14 tỉnh, thành được cho nghỉ học để tránh bão. 4 sân bay tạm thời đóng cửa và giao thông ở các thành phố lớn ùn tắc nghiêm trọng khi mưa dông trước bão.
Nhà chức trách cũng cảnh báo nguy cơ lũ lụt, sạt lở và lũ quét đe dọa nhiều khu vực.