Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, toàn TP ghi nhận 171 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân phân bố tại 23 quận, huyện. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ.
Đặc biệt, các xã, phường có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết như: xã Phương Đình, Đồng Tháp, Tân Hội thuộc huyện Đan Phượng; phường Dương Nội, quận Hà Đông; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất; xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ.
Trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết tại Đan Phượng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai; giảm 2 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 57 ổ dịch, còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Tạp chí Tri thức dẫn thông tin, thời gian gần đây, nhiều người đến Bệnh viện Bạch Mai với các biểu hiện của sốt xuất huyết như sốt từng cơn, 39 độ C, đau mỏi khắp người, nôn khan, cô đặc máu.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải lọc máu. Ảnh: ZNews.vn
Cụ thể, trường hợp của người phụ nữ 62 tuổi sống tại Đan Phượng, Hà Nội đã nhập viện sau gần một tuần chịu đựng các triệu chứng sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và chán ăn. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và viêm khớp, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau. Sau khi xét nghiệm, bà được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết dengue nặng type 2.
Tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng xấu đi với số lượng tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao dẫn đến suy gan. Bà phải được đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị kháng sinh bổ sung. Tuy nhiên, do suy đa tạng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao.
Trong một trường hợp khác, một nam thanh niên 25 tuổi sống tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng nhập viện sau 5 ngày sốt và được xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết dengue. Trong quá trình điều trị, anh này cũng gặp biến chứng suy gan nặng, tiểu cầu giảm nhanh và máu bị cô đặc.
Một bệnh nhân khác 66 tuổi, ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, sốt cao từng cơn (39 độ C), đau đầu, đau mỏi người, khớp gối, nôn khan và tiểu ra máu.
Trường hợp khác là bệnh nhân nam 39 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội, cũng sốt 5 ngày, vào viện trong tình trạng nặng, cô đặc máu, da lạnh ẩm, mạch nhanh. Các bệnh nhân được điều trị tích cực ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới theo pháp đồ cụ thể, tình trạng dần được cải thiện.
VTC News dẫn lời PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tháng 7, trung tâm tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết dengue, dấu hiệu cảnh báo nhập viện.
"Các ca sốt xuất huyết xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm", PGS Cường nói.
Sốt xuất huyết dengue là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes aegypti. Sốt xuất huyết dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt trẻ em hay người lớn, và thường gia tăng trong mùa mưa.
Đặc trưng của sốt xuất huyết dengue là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng và thậm chí tử vong.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách diệt bọ gậy tránh muỗi, phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Kinh tế & Đô thị
Sốt xuất huyết Dengue biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyên, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.