Liên quan đến dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (bộ GD&ĐT) cho biết nếu mở rộng điều tra thì sẽ có nhiều địa phương khác có vấn đề. Bởi lẽ, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tiêu cực chính là từ bệnh thành tích trong giáo dục.
Dưới đây phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Ngọc Vinh để làm rõ vấn đề điểm thi THPT Quốc gia 2016 Lạng Sơn cao bất thường.
TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng bộ GD&ĐT cần vào cuộc làm rõ những nghi vấn về điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn. |
Báo Người Đưa Tin mới đây đăng tải điểm thi có dấu hiệu cao bất thường tại tỉnh Lạng Sơn năm 2016, theo ông, bộ Công an, bộ GD&ĐT có nên phối hợp mở rộng điều tra để làm rõ những nghi vấn này?
Chúng ta cần một sự công bằng, sòng phẳng trong giáo dục. Vấn đề là bộ GD&ĐT có muốn làm điều đó hay không? Năm 2018, xuất phát từ những dấu hiệu điểm thi cao bất thường ở một số địa phương mà cơ quan chức năng đã điều tra ra một vụ gian lận thi cử lớn chưa từng có. Tôi tin, nếu mở rộng điều tra thì sẽ có nhiều địa phương khác có vấn đề. Bởi lẽ, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tiêu cực chính là từ bệnh thành tích trong giáo dục.
Tại sao ông lại cho rằng nguyên nhân sâu xa đến từ bệnh thành tích trong ngành giáo dục?
Các địa phương đều thích những con số đẹp, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp luôn trên 90%, và không một địa phương nào muốn năm sau lại thấp hơn năm trước. Không thể dùng ý chí của người làm quản lý để quyết định chất lượng giáo dục (bằng con số). Khi ý chí người ta muốn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, thì ắt sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực.
Nhưng thực tế năm 2018 vừa qua, tiêu cực chỉ tập chung số ít vào những thí sinh có nguyện vọng vào các trường công an, quân đội?
Đó là nguyên nhân dẫn tới hành động mang tính “tham nhũng” của những cá nhân bao gồm cả phụ huynh và những cán bộ trong ngành giáo dục. Khi vào trường công an, quân đội thì là người trong ngành không phải lo việc làm. Nên có một nhóm nhỏ người có quyền, có tiền muốn cho con cái họ vào trong ngành.
Theo ông, nếu bây giờ mở rộng điều tra những dấu hiệu bất thường ở Lạng Sơn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, thì sẽ bắt đầu từ đâu?
Sẽ rất khó để lật lại toàn bộ các bài thi của thí sinh tại tỉnh này năm 2016, bởi số lượng sẽ rất lớn. Tôi nghĩ, phải khoanh vùng đối tượng lại. Thứ nhất, khoanh vùng những bài thi trên 25 điểm để chấm thẩm định lại, đồng thời kiểm tra lại học lực các năm THPT của các thí sinh này ra sao, cũng như học lực sau khi đi học chuyên nghiệp. Thứ 2, kiểm tra những bài thi của thí sinh đang học tại các trường Công an, Quân đội, Sư phạm, đây là khối ngành mà những người gian lận muốn vào nhất.
Trả lời báo Người Đưa Tin, Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn cho rằng, năm đó đơn vị chủ trì thi là đại học Xây dựng nên khó có chuyện xảy ra tiêu cực giữa địa phương và trường đại học. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không khẳng định là có sai phạm, có “sự thỏa hiệp”, mà điều này phải điều tra mới có thể làm rõ. Tuy nhiên, sai phạm hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào, đặc biệt là khâu coi thi. Dù là đại học Xây dựng chủ trì thì cũng phải phối hợp với địa phương, cũng phải có giáo viên các trường chuyên nghiệp ở địa phương coi thi. Trừ khi, thí sinh về địa điểm của trường đại học Xây dựng ở Hà Nội coi thi thì mới hạn chế được tiêu cực, và “sự thỏa hiệp”.
Ông vừa nói đến ý thí sinh về trường đại học thi, phải chăng việc ghép kỳ thi đại học, cao đẳng và Tốt nghiệp thành 1 đã khiến cho tiêu cực dễ phát sinh?
Năm 2016 là năm đầu của nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đó cũng là năm chúng ta đổi mới thi cử bằng kỳ thi “2 trong 1”. Tôi và rất nhiều người khác đã từng nêu quan điểm rằng không thể tổ chức chung một kỳ thi như vậy, bởi ý chí, mục đích của 2 kỳ thi là hoàn toàn khác nhau. Giao cho các địa phương tổ chức thi là nguyên nhân giúp cho tiêu cực dễ xảy ra.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, trường THPT Thường Tín, Hà Nội cho biết: "Theo tôi, nơi nào có nghi vấn, nơi đó cần chủ động điều tra lại. Chắc chắn có gian lận từ các năm trước ở nhiều địa phương, chứ không phải chỉ được tình cờ phát hiện năm 2018. Đúng ra, khi có nghi vấn, bộ GD&ĐT phải cho thi lại ngay bằng đề dự trữ, rồi điều tra ngay sau đó, chứ lâu nay, Bộ và các cấp khác thường tìm cách im lặng, cố tình làm ngơ không có biện pháp mạnh, không chủ động thanh kiểm tra để phát hiện sai phạm". |