Thông tin trên được Đại tá Đỗ Thành Tâm chia sẻ tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 sáng nay (19/7).
Báo Lao Động dẫn lời Đại tá Đỗ Thành Tâm - Thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng - năm 2025, ngoài tuyển sinh hệ quân sự, 10 học viện và trường thuộc khối quân đội sẽ tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu cho hệ dân sự.
Cả hai hệ đào tạo quân sự và dân sự đều thực hiện tuyển sinh theo quy định chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, quy trình đăng ký và điều kiện xét tuyển giữa hai hệ có sự khác biệt rõ rệt.
Với hệ quân sự, thí sinh bắt buộc phải tham gia sơ tuyển và chỉ được đăng ký xét tuyển vào trường đã thông báo đủ điều kiện sơ tuyển, đồng thời phải xếp nguyện vọng 1 cho trường đó. Trong khi đó, hệ dân sự không yêu cầu sơ tuyển và thí sinh được đăng ký xét tuyển theo bất kỳ thứ tự nguyện vọng nào.
Đại tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Lao Động.
“Thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh nhầm lẫn có nguyện vọng vào hệ quân sự nhưng lại đăng ký sang hệ dân sự thì rất dễ rơi vào tình huống đỗ thành trượt” - Đại tá Đỗ Thành Tâm lưu ý.
Cũng theo đại diện Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, các trường quân đội dù sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển, nhưng đa phần có 2 môn chung giữa các tổ hợp, nên hều hết sẽ sử dụng một điểm chuẩn chung.
"Ngoại trừ 3 trường có độ lệch điểm tính riêng gồm Học viện Biên phòng, trường Sĩ quan chính trị, trường Cao đẳng Kỹ thuật Mật mã, 17 trường quân đội còn lại dự kiến sẽ sử dụng một mức điểm chung cho các đối tượng, phương thức", Đại tá Tâm thông tin.
VTC News dẫn lời Đại tá Tâm lưu ý, thí sinh cần hết cẩn trọng, tránh nhầm lẫn có nguyện vọng vào hệ quân sự nhưng lại đăng ký sang hệ dân sự, rơi vào tình huống đỗ thành trượt.
Đối với hệ quân sự, các trường quân đội chỉ tuyển thí sinh đã đủ điều kiện sơ tuyển và phải đặt nguyện vọng 1 khi xét tuyển vào trường. Với hệ dân sự, thí sinh không phải qua sơ tuyển, không giới hạn nguyện vọng.
Các trường quân đội năm nay sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT; quy định của Bộ Quốc phòng; xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức 2025; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
13 tổ hợp xét tuyển được sử dụng, trong đó, 6 tổ hợp tương tự năm ngoái, gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh), D02 (Toán, Văn, tiếng Nga), D04 (Toán, Văn, tiếng Trung).
Các tổ hợp mới là C01 (Văn, Toán, Lý), C02 (Văn, Toán, Hóa), C03 (Văn, Toán, Sử), C04 (Văn, Toán, Địa), D07 (Toán, Hóa, Anh) và A0T (Toán, Lý, Tin).
Đây cũng năm đầu tiên các trường quân đội thực hiện quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ và cộng điểm cho thí sinh có thành tích cao trong học tập. Với tiếng Anh, mức quy đổi bắt đầu từ IELTS 5.5 trở lên. Riêng Học viện Khoa học Quân sự còn quy đổi thêm cả các chứng chỉ tiếng Trung và tiếng Nga cho thí sinh đăng ký vào các ngành ngôn ngữ tương ứng.