Mưa nhện, mưa giun, mưa tiền, mưa cá… là những cơn mưa kỳ lạ đến khó tin đã xảy ra trên thế giới.
Theo đó, những cơn mưa này đã được khoa học biết đến, nhưng cũng tồn tại những hiện tượng khó có thể giải thích được.
Mưa tiền
Đây là một trong những cơn mưa kỳ dị nhưng lại mang đến niềm vui cho nhiều người. Theo đó, trận “mưa tiền” gần đây nhất diễn ra vào tháng 2/2015 tại Dubai, hàng trăm nghìn tờ 500 AED (trị giá gần 3 triệu đồng/tờ) rơi từ trên trời xuống. Đến bây giờ, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của trận “mưa tiền” này từ đâu ra.
Trước đó, vào năm 1940, người dân làng Meshchora, tỉnh Gorky, Nga đã biết đến những cơn “mưa tiền”. Sau khi một cơn bão đi qua, có rất nhiều tiền xu rơi xuống địa phận làng Meshchora. Dân làng thu được vài nghìn đồng tiền từng được lưu hành từ thế kỷ 16. Năm 1957, rất nhiều tờ tiền mệnh giá 1.000 franc cũng từ trên trời rơi xuống thị trấn Bourges, Pháp.
Mưa giun ở Mỹ
Eleanor Beal, nhân viên Sở cảnh sát thành phố Jennings (bang Louisana, Mỹ) đã từng bủn rủn cả người khi chứng kiến trận mưa giun chưa từng thấy trước đó. Trên đường dày đặc giun đang bò lổm ngổm. Trên đầu, cánh tay cô cũng toàn giun. Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân của trận mưa giun này.
Mưa máu ở Colombia
Vào năm 2008, tại cụm dân cư La Sierra, Choco (Columbia) đã diễn ra một cơn mưa màu đỏ. Mẫu nước này đã được đem về phòng nghiên cứu ở thị trấn gần đó để phân tích và một nhà vi khuẩn học địa phương cho rằng thành phần của chất lỏng này chính là máu. Điều này khiến nhiều giáo sĩ trong làng khẳng định đây là lời cảnh báo cho tội lỗi của loài người.
Mưa thịt
Vào một ngày tháng Ba năm 1876, một trận mưa thịt đã đổ xuống khoảng sân nhà cô Allen Crouch ở bang Kentucky (Mỹ). Cô miêu tả những tảng thịt này trông giống như bông hoa tuyết cỡ lớn. Hai người đàn ông đã ăn thử những miếng thịt này và kết luận đó là thịt cừu hoặc thịt hươu tươi.
Mưa cá ở Úc
Tháng 2/1859, có một cơn “mưa cá” xảy ra tại South Wales (Anh) với rất nhiều cá tươi, có con còn sống. Chính quyền khuyên người dân đem cá ướp muối ăn dần, nhưng hầu như chẳng ai dám ăn thứ cá “từ trên trời rơi xuống” này.
Năm 1972, một trận mưa cũng rải cá xuống đầy đoạn đường cao tốc gần Washington. Năm 1985, ông R. Langton, người London (Anh) một sáng ra thức dậy thấy sân nhà đầy những con cá còn sống. Cũng trong năm đó, ở Texas, Mỹ, tại một trang trại đã xảy ra một cơn mưa cá tươi. Lần này thì “cá trời” không chỉ được chủ trang trại “đánh chén” mà còn được đem cho, biếu và bán.
Hai năm sau, ở Singapore có một trận mưa cá da trơn và vào năm 1918, gần Sunderland có một trận mưa cá trích. Tháng 5/1956, tại một trang trại ở bang Alabama của Mỹ, cá trê còn sống rơi xuống bò đầy mặt đất.
Năm 2004, những người dân địa phương ở sa mạc Tanami đã chứng kiến một trận mưa cá với hàng trăm hàng nghìn con cá trắng nhỏ rơi xuống đất trong khi vẫn còn sống. Tới năm 2010, hiện tượng này lại lặp lại một lần nữa.
Các nhà khoa học cho rằng mưa cá xảy ra là do tác động của những cột vòi rồng ở các khu nước nông cuốn theo các sinh vật như cá, lươn, ếch sống trong đó.
Mưa chim ở Mỹ
Trận “mưa chim” với gần 500 con chim rơi xuống bầu trời bang Louisiana, Mỹ tháng 1/2011 cũng được xếp hạng vào danh sách những trận mưa kỳ dị nhất thế giới. Trước đó vài ngày, có tới 3.000 con chim cánh đỏ rơi xuống từ bầu trời bang Arkansas, Mỹ, trong đêm giao thừa năm 2010 sang 2011.
Mưa nhện ở Argentina
Theo đó, trận “mưa nhện” nổi tiếng được phát hiện ở tỉnh Salta, Argentina vào hồi tháng 4/2007. Lúc này, Christian Oneto Gaona cùng bạn mình đi du lịch ở Salta. Khi họ đi về phía dãy núi San Bernardo thì bất ngờ trông thấy rất nhiều nhện trên mặt đất với đủ màu sắc khác nhau. Càng tiến sâu vào phía sườn núi, họ càng thấy xuất hiện nhiều nhện hơn. Khi họ ngẩng đầu lên, hóa ra có rất nhiều chú nhện nhỏ li ti rơi từ trên trời xuống.
Mưa chuột
Mưa cóc, ếch nhái
Tháng 8/1804, một cơn mưa toàn cóc nhái đã xả ra ở khu vực gần thành phố Toulouse (Pháp) từ đám mây đen kỳ dị. Người dân địa phương cho biết, trước khi có đám mây đen xuất hiện, trời nắng đẹp.
Một trận mưa tương tự cũng xảy ra ở làng Akeley (Anh) năm 1863. Cóc nhái từ trời rơi xuống đầy mặt đất, nhưng đến sáng hôm sau, người ta không thấy lũ cóc nhái đâu nữa.
Đến năm 2007, một trận mưa ếch cũng trút xuống làng Odzaci, Serbia hàng nghìn con ếch.