Múa lân
Người Việt thường tổ chức múa sư tử và múa lân vào dịp Tết Trung thu. Đây được cho là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa có từ hàng nghìn năm trước.
Múa lân là hoạt động không thể thiếu vào dịp Tết Trung thu. Ảnh minh họa
Kỳ lân theo quan niệm của dân gian là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng.
Đặc biệt, con vật này rất hiền, không đạp lên cỏ cây hay làm hại vật sống. Kỳ lân trong văn hóa Việt là con vật tương trưng cho điềm lành. Múa lân vào dịp Tết Trung thu nhằm cầu mong đất nước thái bình, mọi nhà gặp nhiều may mắn, an vui.
Đốt pháo hạt bưởi
Trẻ em chắc chắn đều rất hào hứng với trò chơi thú vị này. Để chuẩn bị cho trò chơi đốt pháo hạt bưởi Tết Trung thu, gần đến ngày Rằm tháng Tám, sau mỗi lần ăn bưởi, những đứa trẻ sẽ thu gom hạt bưởi và mang đi phơi.
Số hạt bưởi này sau khi phơi khô sẽ được xâu vào những sợi dây théo nhỏ, tạo thành các tràng dài. Những tràng hạt bưởi được buộc vào một chiếc gậy làm tay cầm, tránh khiến trẻ bị bỏng khi chơi. Do chứa tinh dầu, hạt bưởi khi đốt sẽ tỏa ra một mùi hương rất dễ chịu.
Rước đèn ông sao
Đây là hoạt động ý nghĩa và không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. Trẻ em sẽ cầm đèn ông sao đi khắp đường làng, ngõ xóm, khu phố vào đêm rằm tháng Tám, đồng thời hát bài “Chiếc đèn ông sao”.
Trẻ nhỏ thường rước đèn vào dịp Tết Trung thu. Ảnh minh họa
Ngày nay, đèn có nhiều màu sắc, kích cỡ và hình dạng khác nhau như đèn ông sư, đèn hình con cá, đèn con thỏ…, bên cạnh đèn hình ông sao truyền thống. Các bé cũng có thể mang theo những món đồ chơi của riêng mình, đeo mặt nạ và hòa vào không khí vui tươi của đêm Trung thu.
Chuột nhử Mèo
Trò chơi này cần có sự tham gia của 6 – 7 đứa trẻ hoặc nhiều hơn. Các bé sẽ cử hoặc oẳn tù tì để tìm ra một người làm chuột. Những bé còn lại làm mèo sẽ ngôi bệt thành vòng tròn, quay măt vào giữa, hai tay khum lại sau lưng để đón mồi.
Bé đóng vai chuột sẽ cầm theo chiếc khăn (mồi) chạy bên ngoài vòng tròn, bí mật để khăn sau lưng một “mèo” nào đó, cần hết sức cẩn thận tránh để bị phát hiện.
Sau khi chạy hết một vòng, “chuột” phát hiện “mèo” chưa phát hiện có khăn ở sau lưng thì có quyền cầm khăn lên, quất mạnh vào vai và lưng của “mèo”. “Mèo” bị thua phải đứng dậy chạy quanh tránh đòn, sau đó về ngồi lại chỗ cũ thì thoát.
Trong trường hợp phát hiện có khăn sau lưng, “mèo” sẽ cầm khăn lên và đuổi đánh “chuột” quanh vòng tròn. “Chuột” phải chạy thật nhanh để tránh đòn, chạy hết vòng thì ngồi vào vị trí của “mèo” bỏ lại mới thoát. Trò chơi cứ như vậy tiếp tục, “chuột” mới sẽ là “mèo” thắng cuộc.
Rồng rắn lên mây
Trẻ cần có một nhóm 5 người để có thể chơi trò chơi này. Môt bé sẽ đóng vai “ông chủ”, trong khi các bé còn lại nối đuôi nhau, vừa đi vừa đọc “Rồng rắn lên mây. Có cái cây lúc lắc. Có cái nhà điểm binh. Ông chủ ở nhà hay không?”, sau đó dừng trước mặt “ông chủ”.
Rồng rắn lên mây cũng là một trò chơi vui nhộn cho trẻ nhỏ vào ngày Trung thu. Ảnh minh họa
Nếu “ông chủ” trả lời “không”, nhóm trẻ sẽ tiếp tục đi và lặp lại những câu trên. Trường hợp nghe được câu trả lời “có”, trẻ sẽ hỏi “Ông xin khúc nào?”. Lúc này, “ông chủ” sẽ trả lời: "Cho xin khúc giữa/ đuôi?".
Nhóm trẻ đáp lại: “Tha hồ mà đuổi”. “Ông chủ” sau đó sẽ đuổi theo, làm các cách để có thể chạm được vào “khúc” (người) mà mình đã xin. Người đứng đầu nhóm sẽ dang tay để ngăn cản “ông chủ”. Khi “ông chủ” bắt được “khúc” mình xin, trò chơi sẽ bắt đầu lại từ đầu.
Đinh Kim (T/h)