Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Trường xác định lộ trình đến năm 2025 đạt đủ các điều kiện để chuyển thành đại học theo quy định của Chính phủ.
Để thực hiện lộ trình này, tháng 12/2021, Hội đồng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường trực thuộc đầu tiên, trên cơ sở nhập khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và khoa Du lịch (thành lập năm 2000).
Tiếp đến, tháng 8/2023, trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô. Dự kiến từ nay đến 2025, sẽ thành lập thêm 3 trường: Điện - Điện tử; Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.
4 trường đại học dự kiến nâng đời lên thành đại học. Ảnh minh hoạ
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường cũng dự kiến thành lập thêm 3 trường trực thuộc: trường Kinh doanh, Kinh tế và Công nghệ trong lộ trình phấn đấu lên thành đại học vào năm 2025.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, trong số 3 trường mới sẽ thành lập, trường Kinh tế sẽ chú trọng đào tạo các ngành kinh tế với đầu ra chủ yếu là các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.
Trường Kinh doanh hướng đến đào tạo các nhà quản trị, vận hành các doanh nghiệp, thiên về quản trị kinh tế vi mô.
Trường Công nghệ tuy mới thành lập nhưng được xây dựng dựa trên nền tảng của 3 đơn vị đào tạo đang có sức thu hút mạnh mẽ đối với sinh viên là: Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số, khoa Toán kinh tế và khoa Thống kê.
Để thực hiện điều này, trường đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định rõ lộ trình để hướng tới đại học.
Một góc trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh sưu tầm
Trường Đại học Y Hà Nội
Cuối 2023, GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhà trường đang xây dựng đề án trình các cấp đưa trường Đại học Y Hà Nội trở thành Đại học Khoa học sức khỏe định hướng nghiên cứu hàng đầu ở châu Á.
Việc xây dựng trường Đại học Y Hà Nội thành Đại học Khoa học sức khỏe là tầm nhìn chiến lược, nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển nhà trường đến năm 2030.
Trường Đại học Cần Thơ
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, trường đang sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và xúc tiến thành lập hai phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
"Mục tiêu lớn nhất của năm học 2023 - 2024 là hoàn thành đề án chuyển trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ", ông Toàn nhấn mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, trường dự kiến thành lập 4 trường trực thuốc, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có.
Cụ thể, các đơn vị trực thuộc gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm.
Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học. Hiện nay cả nước có 7 đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM. Trong đó, ĐH Kinh tế TP.HCM mới chuyển từ trường đại học thành đại học vào tháng 10/2023. |
Nguyễn Linh (T/h)