Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra điểm chuẩn với mức 29,42 điểm với ngành Khoa học máy tính (IT1). Đây cũng là mức điểm chuẩn kỷ lục của Bách khoa Hà Nội trong 5 năm qua.
Ngành Khoa học máy tính luôn là ngành hot nhất trường vào nhiều thí sinh đã trúng bằng phương thức khác như xét tuyển tài năng, xét tuyển thẳng hay xét bằng điểm thi đánh giá tư duy. Đó là lý do đẩy điểm chuẩn ngành này năm nay lên cao.
Trong khi đó, điểm thi ba môn của thủ khoa khối A (Toán, Lý, Hóa) toàn quốc năm nay là 29,35. Tuy nhiên, Bách khoa Hà Nội có công thức tính điểm riêng. Do đó, hai thủ khoa khối A toàn quốc năm nay không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành này.
Các trường đại học công bố điểm chuẩn. Ảnh: ST
Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn năm 2023 theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức riêng có sử dụng điểm thi THPT. Năm nay, ngành Ngôn ngữ Trung, tổ hợp D01 (Văn, Toán, tiếng Anh) lấy điểm chuẩn cao nhất - 28,5, trung bình 9,5 điểm một môn mới đỗ. Ngành Kinh tế, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) ở trụ sở Hà Nội lấy điểm chuẩn 28,3. Các ngành còn lại phổ biến mức 27. Ngôn ngữ Pháp thấp nhất - 26,2 điểm, trung bình 8,7 điểm mỗi môn, bằng năm ngoái.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngành cao nhất lấy 28,75 điểm. Cụ thể, ngành Quan hệ công chúng xét theo tổ hợp C00 lấy cao nhất với 28,75 điểm; ngành Đông phương học và Báo chí xét theo tổ hợp C00 lấy 28,5 điểm; ngành Tâm lý học xét theo tổ hợp C00 lấy 28 điểm.
Điểm chuẩn Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) năm 2023 cao nhất ở ngành Truyền thông Marketing.
Học viện Ngân hàng vừa công bố điểm chuẩn 2023, trong đó nhiều ngành điểm chuẩn giảm. Đối với các chương trình đào tạo hệ chuẩn, mức điểm chuẩn lấy thấp nhất là 24,5 điểm (ngành Quản trị du lịch), cao nhất là 26,5 (ngành Luật kinh tế, khối C và D).
Điểm chuẩn Đại học Thương mại (TMU) năm nay lấy cao nhất ở ngành Marketing, theo thông báo chiều 22/8. Như vậy, với trung bình 9 điểm, thí sinh mới đỗ ở ngành cao nhất của trường này.
Theo công bố, điểm chuẩn trường Đại học Kinh tế - Luật, ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 27,48 điểm. Hai ngành khác có điểm chuẩn trên 27 là Hệ thống thông tin quản lý (27,06) điểm, Digital Marketing (27,25 điểm)
Điểm trúng tuyển trung bình tính của lĩnh vực Kinh tế là 25,89 điểm; Kinh doanh 26,04 điểm; Luật 25,32 điểm.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lấy điểm chuẩn dao động 15-28,58, trong đó Ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất là 28,58 điểm.
Điểm chuẩn của các trường đại học năm nay được đánh giá ở mức cao. Ảnh: Tuổi trẻ
Như vậy, năm nay không có ngành nào điểm chuẩn 30 điểm nhưng với ngành cao nhất, thí sinh cũng phải trung bình đạt trên 9,5 điểm mới đỗ. Giải thích về việc này, những ngành này có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển lớn, trong khi chỉ tiêu không nhiều, dẫn đến điểm chuẩn tăng cao.
Điểm chuẩn thấp nhất đến thời điểm này là 15, tức với 5 điểm mỗi môn, thí sinh đã đỗ đại học. Trong đó, Đại học Hùng Vương TP HCM và Đại học Bình Dương lấy 15 điểm ba môn ở tất cả ngành. Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng có duy nhất một ngành lấy 15 điểm là Y tế công cộng. Các trường còn lại có một số ngành lấy điểm chuẩn ở mức này là Đại học Gia Định, Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Đại Nam.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước 17h ngày 6/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung vào các đợt xét tuyển tiếp theo của các trường đại học.
Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác, nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.
Như Quỳnh (T/h)