Theo Reuters, ngày 21/5, Sở Y tế tỉnh Gauteng (Nam Phi) công bố 19 trường hợp mắc bệnh tả mới tại Hammanskraal, trong đó có 10 ca tử vong gồm 1 trẻ 3 tuổi và 9 người lớn. Được biết, Nam Phi báo cáo ca tử vong đầu tiên do bệnh tải vào tháng 2/2023, sau khi virus xâm nhập vào nước này từ Malawi.
Tính đến ngày 21/5, vẫn chưa rõ chính xác có bao nhiêu trường hợp mắc bệnh tả trên cả nước. Tuy nhiên, tỉnh Gauteng - nơi đông dân nhất tại Nam Phi, có thành phố Johannesburg và Pretoria - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sở Y tế tỉnh Gauteng cho biết thêm, 95 người đã đến bệnh viện địa phương kể từ ngày 15/5 do xuất hiện các triệu chứng bệnh tả, bao gồm tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn. Kết quả xét nghiệm hôm 21/5 xác nhận có ít nhất 19 trường hợp mắc bệnh tả, ngoài ra có 37 người đang được điều trị.
Hình minh họa 3D về mầm bệnh dịch tả trong nước ô nhiễm.
Bà Nomantu Nkomo-Ralehoko - thành viên của Hội đồng điều hành về sức khỏe ở tỉnh Gauteng tiết lộ, nhân viên bổ sung gồm bác sĩ và y tá đã được huy động nhằm đối phó với đợt bùng phát bệnh tả.
“Chúng tôi muốn nhắc lại và kêu gọi người dân tránh thực phẩm, nước và các bề mặt đã biết hoặc nghi ngờ bị ô nhiễm, đồng thời rửa kỹ tay với xà phòng trước khi chế biến thực phẩm hoặc sau khi đi vệ sinh”, bà Nomantu Nkomo-Ralehoko nói.
Trước đó, thành phố Pretoria cũng đề nghị người dân ở Hammanskraal cũng như các khu vực lân cận không uống nước từ vòi và cho biết rằng đang cung cấp các xe bồn chứa nước.
Bệnh tả có khả năng gây tiêu chảy cấp tính, nôn và suy nhược, chủ yếu lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Căn bệnh này có thể khiến người bệnh tử vong trong vài giờ nếu không được điều trị.
Đợt bùng phát dịch tả gần đây nhất tại Nam Phi là vào năm 2008 - 2009. Thời điểm đó, khoảng 12.000 trường hợp bị bệnh được báo cáo sau đợt bình phát ở nước láng giềng Zimbabwe, dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh nhập cảnh, sau đó là sự lây truyền tại địa phương.
Bệnh tả không phải bệnh lưu hành tại Nam Phi nhưng nước này đã ghi nhận một số ca bệnh trong năm nay do bệnh bùng phát ở các nước lân cận như Malawi và Mozambique - hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ đầu năm đến nay, theo Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc thông tin thêm, dịch tả đã bùng phát trở lại trên toàn cầu kể từ năm 2021 sau một thập kỷ giảm dần. Trong tuần này, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo 1 tỷ người ở 43 quốc gia trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh tả.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát trở lại là do tình trạng đói nghèo, xung đột và biến đổi khí hậu gia tăng trên toàn cầu.
Đinh Kim (Theo Reuters, AFP)