Sau 19 tháng bùng phát khiến hàng ngàn người mất mạng, dịch Ebola đã được WHO công nhận là sắp kết thúc với sự ra viện của bệnh nhân cuối cùng ngày 3/3.
Các nhân viên bệnh viện ở Beni, thành phố phía đông bắc Congo, đã nhảy múa, hát ca và đánh trống để ăn mừng sự kiện trọng đại: bệnh nhân Ebola cuối cùng của nước này được chữa khỏi. Lần đầu tiên kể từ khi công bố dịch bệnh vào tháng 8/2018, đến nay Congo mới chính thức không có ca bệnh nào, theo Reuters.
Người nhận được giấy chứng nhận sống sót là cô Semida Masika. Cô nói rằng cô rất vui mừng được trở về nhà. “Vì tôi là người sống sót cuối cùng (của dịch Ebola), tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc (đến đội ngũ y tế) và tạ ơn Chúa”, cô nói.
Dịch Ebola đã khiến hơn 2.000 người chết ở Congo. Ảnh: Aljazeera |
Trong 19 tháng qua, virus đã giết chết 2.264 người và lây nhiễm gần 1.200 người ở Congo, khiến nước này trở thành ổ dịch Ebola tồi tệ thứ hai trong lịch sử. Đứng đầu là dịch Ebola Tây Phi 2013-2016 giết chết hơn 11.000 người.
Congo đã trải qua 14 ngày mà không ghi nhận thêm trường hợp mới nào mắc bệnh. Dịch bệnh sẽ được tuyên bố kết thúc sau 42 ngày không có ca nhiễm mới. Thời gian ủ bệnh tối đa của chủng virus này là 21 ngày.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh bước tiến triển mới của dịch bệnh ở quốc gia Trung Phi. “Đây là tin tức rất tốt không chỉ với tôi mà với toàn thế giới”, ông nói trong cuộc họp báo hôm 3/3.
Đây là đợt bùng phát thứ 10 của Congo kể từ năm 1976. Các cánh rừng nhiệt đới rậm rạp của nước này được coi là ổ bệnh của Ebola.
Một nhóm các nhà nghiên cứu dịch Ebola ở Guinea phát hiện ra rằng tỉ lệ tử vong sau một năm rời bệnh viện của các bệnh nhân Ebola cao gấp 5 lần so với dự tính.
Công bố ngày 4/9/2019 trên tạp chí Lancet Infectious Diseases, cho thấy trung bình 22 tháng trong giai đoạn trên có 59 ca tử vong, 37 trong số này là do các triệu chứng tổn thương thận.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ chưa rõ nguyên nhân cụ thể cũng như ngày chết chính xác của các nạn nhân do thiếu thông tin tại Guinea. Tuy nhiên các nghiên cứu khác trên bệnh nhân Ebola cho thấy rằng virút có trong nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến kết luận rằng virút Ebola có thể gây hư thận.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện của họ cho thấy cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về tác động lâu dài của việc nhiễm virút Ebola, đặc biệt khi số người sống sót sau khi nhiễm Ebola đã tăng cao sau 2 trận dịch lớn trong 5 năm qua.
Minh Khôi (T/h)